Blog Thừa phát lại - Mỗi vi bằng đối với tôi là một câu chuyện, không vi bằng nào giống vi bằng nào và nó được mô tả dựa trên một câu chuyện về tính phù hợp và chính đáng khi khách hàng phải yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng.
Ghi nhận việc cản trở thăm nom
con (để yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con) không phải
là loại vi bằng phổ biến hiện nay nhưng do các vụ việc ly hôn đang có xu hướng
tăng, việc cha mẹ bỏ bê con cái, sự biến chuyển nhanh chóng hoàn cảnh, điều kiện
nuôi con của một người nên tôi tin rằng, loại hồ sơ vi bằng này sẽ có xu hướng
tăng dần trong tương lai.
Lập vi bằng là việc Thừa phát lại
làm chứng, ghi nhận lại sự kiện, hành vi một cách khách quan, trung thực và mô
tả trong vi bằng. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, khi thực hiện công việc
này, Thừa phát lại không nên chỉ đóng vai trò là một người làm chứng đơn thuần,
thô cứng mà nên tìm hiểu thật kỹ vụ việc của khách hàng, có những trao đổi, thảo
luận với khách hàng, thấu hiểu câu chuyện pháp lý của họ và tư vấn những việc
khách hàng nên/không nên làm để những mô tả trong vi bằng (theo thực tế khách
quan) giúp ích được họ.
Mỗi vi bằng đối với tôi là một
câu chuyện, không vi bằng nào giống vi bằng nào và nó được mô tả dựa trên một
câu chuyện về tính phù hợp và chính đáng khi khách hàng phải yêu cầu Thừa phát
lại lập vi bằng.
Như trong tình huống vi bằng cản
trở thăm nom con (để yêu cầu Tòa án giải quyết thay đổi người trực tiếp nuôi
con), Thừa phát lại phải thấu hiểu được câu chuyện của khách hàng và phải xác định
các nội dung mà khách hàng cần phải thực hiện tức sẽ được mô tả trong vi bằng.
Những nội dung này phải đúng và trúng nhằm chứng minh thực sự có hành vi cản trở
thăm nom con.
Thừa phát lại Đức Hoài trong một lần tiếp xúc khách hàng |
Để thuận tiện trong việc chia sẻ
những suy nghĩ của mình trong bài viết này, tôi giả định tình huống lập vi bằng
như sau:
Vợ chồng anh Nhân (làm nhân
viên bán xe cho một showroom) và chị Bích sau thời gian sống chung thì mâu thuẫn,
không hợp nên ly hôn. Tại thời điểm ly hôn thì anh chị có con chung là bé Nam (5
tuổi). Tòa án giao bé Nam cho chị Bích nuôi. Được vài tháng sau ly hôn thì chị
Bích và gia đình có dấu hiệu cản trở anh Nhân thăm nom bé Nam. Anh Nhân muốn Thừa
phát lại chứng kiến, lập vi bằng việc cản trở này để yêu cầu Tòa án giải quyết
thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Lưu ý: Việc bị cản trở thăm nom
con không phải là trường hợp dẫn đến thay đổi người trực tiếp nuôi con (theo Điều
84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Tuy vậy, đây là một trong những yếu tố
để Tòa án xem xét việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Thật vậy, bạn có thể
tham khảo một số Bản án tại đây.
Khi lập vi bằng việc này, Thừa
phát lại chỉ đóng vai trò là bên chứng kiến khách quan và nội dung vi bằng phụ
thuộc vào thực tế diễn ra sự việc thăm nom con để mô tả. Tuy vậy, Thừa phát lại
nên tư vấn cho anh Nhân lưu ý những việc sau đây để chứng minh: (1) Anh Nhân là
người cha có trách nhiệm, luôn mong muốn gặp bé Nam, quan tâm bé Nam; (2) Việc đi
thăm nom con của anh Nhân là phù hợp thời gian/địa điểm, hoàn cảnh và không cản
trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục
con; (3) Chị Bích và gia đình thực sự có hành vi cản trở anh Nhân thăm nom con.
Thời gian, địa điểm, bối cảnh thăm nom phù hợp
Nếu muốn chứng minh rằng việc
thăm nom con là phù hợp và chị Bích không thể từ chối, cản trở việc anh Nhân
thăm nom thì thời gian, địa điểm, bối cảnh thăm nom phải phù hợp với nội dung Bản
án, quyết định ly hôn, sự thỏa thuận trước bằng văn bản giữa các bên; nếu những
tài liệu này không quy định/không có thì phải phù hợp với thông lệ chung.
Ví dụ, bé Nam bình thường đi học
cả ngày thì anh Nhân nên thăm nom bé Nam vào buổi tối sau giờ ăn tối và trước
giờ bé Nam đi học bài, đi ngủ (ví dụ 19 giờ đến 20 giờ) hoặc vào cuối tuần; vào
ngày sinh nhật của bé Nam, vào ngày lễ tết, hiếu, hỉ, lúc ông bà nội đang ốm
đau, hoặc vào ngày giỗ chạp của ông, bà nội…
Nói chung, thời gian địa điểm
thăm nom thì anh Nhân nên báo trước cho chị Bích để chị biết mà phối hợp, tránh
trường hợp chị viện lý do anh Nhân đến đột ngột, không báo trước để mà từ chối
cho anh Nhân gặp bé Nam.
Trang phục phù hợp
Tuy anh Nhân là nhân viên bán xe
cho một showroom ô tô, thường ăn mặc lịch sự, giày bóng loáng, tóc chải keo,
vest … nhưng việc đi thăm nom con là việc khác nên anh Nhân không nên để
“nguyên cây” như vậy để đi thăm nom con.
Hình ảnh anh Nhân đi thăm nom con
sẽ được Thừa phát lại quay phim, chụp hình lại và đưa vào vi bằng. Hội đồng xét
xử sẽ suy nghĩ như thế nào nếu thấy hình ảnh anh Nhân như vậy?
Nên nhớ, anh Nhân đang là một người
cha nhớ nhung con, đau khổ vì bị cản trở không được gặp con. Mọi tâm trí, thời
gian đều hướng về con thì lấy đâu ra thời gian, tâm trí mà trau chuốt trang phục
hình ảnh bảnh bao đến thăm con? Hội thẩm nhân dân có thể nghĩ “Ông này suốt
ngày chỉ chải chuốt chứ thời gian đâu mà quan tâm con cái. Việc mời Thừa phát lại
lập vi bằng này chỉ là diễn thôi”.
Lời nói, thái độ chuẩn mực, phù hợp
Có thể anh Nhân do nhiều lần bị cản
trở thăm con nên sẽ sinh ra những lời nói, thái độ tiêu cực, không kiểm soát được
hành vi. Thậm chí trước đây, có những lần anh Nhân đã uống bia, rượu trước để
“lấy dũng khí” để đi gặp nhà vợ cũ. Nếu anh Nhân lặp lại việc này và được Thừa
phát lại mô tả khách quan trong vi bằng thì vi bằng có thể phản tác dụng; chị
Bích có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của anh Nhân (khoản 3 Điều
82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Anh Nhân lưu ý đây là lần thăm
nom con có người làm chứng nên anh Nhân cần kiểm soát việc này. Lời nói cần từ
tốn, nhã nhặn nhưng thể hiện tình cảm nhớ thương, muốn thăm con... vì điều đó sẽ
thể hiện trong video đính kèm vi bằng cung cấp cho Hội đồng xét xử xem và đánh
giá về tình cảm anh Nhân đối với bé Nam, cũng như hệ quả nghiêm trọng gây ra đối
với anh Nhân khi anh bị cản trở, ngăn cản tiếp xúc với bé Nam. Vấn đề càng
nghiêm trọng thì càng dễ thuyết phục Hội đồng xét xử cho anh Nhân được trực tiếp
nuôi dưỡng bé Nam.
Tuy vậy, Hội đồng xét xử sẽ lưu
tâm rằng, có nên giao việc nuôi dưỡng một đứa trẻ cho một người dễ kích động, không
kiểm soát được cảm xúc, hành vi của mình hay không? Do đó, thái độ và lời nói
anh Nhân dù nhớ thương bé Nam cũng chừng mực, vừa phải.
Thể hiện sự quan tâm con
Đây là yếu tố rất quan trọng và
chỉ có thể hiện ra bên ngoài thì Thừa phát lại mới mô tả được trong vi bằng. Gặp
hoặc dẫu chỉ thấy con qua khe cửa, anh Nhân có thể hỏi con về việc dạo này bé
Nam có khỏe không, đi học có vui không, bố nhớ con, con có nhớ bố không?...
Ngoài ra, anh Nhân nên chuẩn bị một
món quà phù hợp với lứa tuổi, giới tính của bé Nam và không nên quá mắc tiền.
Có thể là một món quà mà bé Nam rất thích, lưu lại kỷ niệm khi con còn sống
chung với cả cha và mẹ, ví dụ: Bé Nam rất thích vẽ tranh về gia đình thì anh
Nhân có thể mua tặng con bộ dụng cụ tranh…
Và nếu anh Nhân đã có người yêu,
vợ mới, có con mới thì không nên mang đi cùng đến thăm nom con trong lần lập vi
bằng (dù con có thể đã biết và quen với những người này). Hội đồng xét xử sẽ
phân vân khi thấy những người này xuất hiện cùng anh Nhân. Liệu rằng, anh Nhân
có đủ thời gian, tâm trí để chăm sóc bé Nam khi đã có thêm những người mới này
bên cạnh?
Nếu bị cản trở thì hỏi lại để xác nhận
Những lời nói của các bên trong
hoàn cảnh này sẽ không thể rõ ràng như trên phim ảnh. Chị Bích có thể nói là
anh Nhân về đi rồi đóng cửa đi vào; hoặc nhắc lại những chuyện trước đây như
anh Nhân là người cha không có trách nhiệm, ki bo từng đồng với vợ, suốt ngày
đi nhậu với bạn bè, không quan tâm vợ con, nghe lời cha mẹ mà không để ý ý kiến
của chị Bích dẫn đến gia đình tan vỡ…
Sự việc diễn ra như vậy thì những
mô tả trong vi bằng khó chứng minh việc cản trở thăm nom con. Do đó, anh Nhân cần
phải chủ động phát biểu hơn. Ví dụ, anh Nhân nói những việc đó là quá khứ, giờ
hai người đã ly hôn và anh có quyền, nghĩa vụ thăm nom con nên bây giờ anh đã đến
đây, có báo trước, bé Nam đang ở nhà và còn thức nên đề nghị được gặp con.
Còn chị Bích không đồng ý thì nói
thời gian khác anh đến để anh Nhân đi về... Việc chị Bích nói ra thời gian thăm
con tạo tiền đề cho việc anh Nhân thăm nom con vào các lần tiếp theo.
Khi đó, sự việc sẽ gãy gọn hơn và
dễ để xác định có cản trở hay không.
Số lần đến thăm con đủ nhiều
Một lần đến thăm con bị từ chối
(dù được Thừa phát lại lập vi bằng) thì đã đủ để anh Nhân thuyết phục Hội đồng
xét xử chấp thuận việc thay đổi người trực tiếp nuôi con từ chị Bích sang anh
Nhân?
Như đầu bài viết đã đề cập, việc anh
Nhân bị chị Bích cản trở thăm nom bé Nam không phải là trường hợp đương nhiên dẫn
đến thay đổi người trực tiếp nuôi bé Nam từ chị Bích sang anh Nhân (theo Điều
84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Tuy vậy, đây là một trong những yếu tố
để xem xét. Chị Bích có thể nói rằng, chị từ chối anh Nhân thăm con lần được lập
vi bằng là do anh đến muộn, con buồn ngủ; anh Nhân không báo trước việc đến
thăm con; anh Nhân từng có lời lẽ không chuẩn mực; anh Nhân đi với người lạ đến
thăm con nên sợ… Rất nhiều lý do mà Hội đồng xét xử có thể đồng ý với chị Nhân.
Vậy, muốn thuyết phục Hội đồng
xét xử tin rằng, chị Bích thực sự có hành vi cản trở thì anh Nhân nên có 2 lần
trở lên đi thăm con nhưng bị cản trở, từ chối và có người chứng kiến (ví dụ, Thừa
phát lại).
Thừa phát lại Đức Hoài trong một lần lập vi bằng |
Cấp dưỡng đầy đủ
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con
có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Điều này được quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật
Hôn nhân và gia đình năm 2014. Có những Bản án, Quyết định ly hôn ghi nhận sự tự
nguyện của cha, mẹ trực tiếp nuôi con không yêu cầu người còn lại cấp dưỡng.
Nhưng điều quan trọng trong án hôn nhân gia đình là cảm nhận của Hội đồng xét xử
về vụ việc. Họ dành cảm tình, thiện cảm cho ai thì đó là yếu tố có lợi cho người
đó.
Anh Nhân không thực hiện việc cấp
dưỡng cho bé Nam thì có dành được cảm tình của Hội đồng xét xử? Việc không cấp
dưỡng có ảnh hưởng đến việc thuyết phục Hội đồng xét xử tin rằng anh Nhân quan
tâm đủ đến bé Nam, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục bé Nam tốt hơn chị Bích mà
giao bé Nam cho anh? Theo tôi là không.
Do đó, anh Nhân nếu chưa cấp dưỡng
đều đặn cho bé Nam trước đây thì nên khắc phục và chờ một quãng thời gian rồi mới
nên đề nghị Thừa phát lại lập vi bằng việc cản trở.
Dựa trên những lưu ý trên thì Thừa
phát lại chú ý ghi nhận những nội dung chính sau đây (nếu có diễn ra) vào trong
vi bằng:
Bước 1: Anh Nhân thông báo đề xuất các mốc thời gian, địa điểm đến
thăm nom con, việc đón con đi chơi hoặc đưa về nhà ông bà, thời gian giao lại
con cho chị Bích (nếu Bản án/Quyết định của Tòa án không có nội dung này và anh
chị cũng chưa có thỏa thuận bằng văn bản). Việc thông báo này nên được thực hiện
trước một quãng thời gian hợp lý (thường là vài ngày trở lên) để chị Bích còn biết
mà khó để từ chối.
=> Thừa phát lại có thể lập một
vi bằng riêng về việc thông báo này (nếu anh Nhân có nhu cầu).
Bước 2: Trước khi xuất phát, anh Nhân nhắn tin thông báo trước cho
chị Bích bằng tin nhắn, cuộc gọi nhắc lại việc mình sẽ đến thăm nom con (dù trước
đó đã có thỏa thuận/thông báo) => Thừa phát lại ghi nhận nội dung này vào vi
bằng.
Ghi nhận món quà mà anh Nhân sẽ
mang theo đến thăm bé Nam.
Lưu ý: Thừa phát lại có thể ghi thêm lời trình bày của anh Nhân lý
do vì sao chọn món quà này nếu đó là món quà gắn với nhiều kỷ niệm tuổi thơ của
bé Nam. Điều này giúp chứng tỏ rằng anh Nhân là người cha trách nhiệm, luôn
quan tâm, nhớ về những kỷ niệm, khoảnh khắc đứa con của mình.
Bước 3: Ghi nhận anh Nhân và Thừa phát lại có mặt tại địa điểm cần
thăm nom con => Chụp hình Thừa phát lại và anh Nhân có mặt tại địa điểm thăm
nom.
Lưu ý: Nếu xảy ra trường hợp
chị Bích và gia đình không cho Thừa phát lại vào cùng để lập vi bằng thì Thừa
phát lại hướng dẫn anh Nhân ghi âm, ghi hình lại rồi cung cấp cho Thừa phát lại
trích xuất đính kèm vi bằng.
Bước 4: Anh Nhân nói rõ ràng về việc anh Nhân đến để thực hiện quyền
cũng như nghĩa vụ thăm nom con như đã thông báo và đề nghị được gặp con.
Bước 5: Ghi nhận những hành vi, lời nói phản hồi của người vợ, chồng
đang nuôi con hoặc gia đình họ.
Lưu ý: Nếu những hành vi,
lời nói phản hồi này chưa thể hiện rõ ràng việc cản trở thì anh Nhân lưu ý thực
hiện Mục 4 ở trên.
Bước 6: Ghi nhận việc anh Nhân gọi con và gửi tặng đồ chơi cho con,
nói những lời yêu thương con như cha nhớ con nhiều lắm, con có nhớ cha không,
con đi học có vui không,...
Bước 7: Ghi nhận thông báo, đề nghị của anh Nhân gửi chị Bích về thời
gian thăm con, cách thức và ghi nhận sự phản hồi (nếu có).
Việc này là nên có nếu chưa thực
hiện Bước 1 hoặc có thực hiện nhưng chưa có Thừa phát lại lập vi bằng vì chị
Bích có thể phản hồi rằng chưa được thông báo nên tới thăm đột ngột, không thu
xếp được… và cũng tạo tiền đề cho việc thăm nom con vào các tiếp theo.
Bước 8: Ghi nhận ý kiến của bé Nam về việc muốn sống với ai (nếu cần
thiết) vì đó cũng có thể là yếu tố để Tòa án xem xét thêm nếu vi bằng được sử dụng
trong vụ việc thay đổi người trực tiếp nuôi con (đã từng có trường hợp, Tòa án cũng
xem xét ý kiến của con dưới 7 tuổi).
0 Nhận xét