Blog Thừa phát lại - Một Thừa phát lại hợp danh rút tên không còn là Thừa phát lại hợp danh có được xem là “Thừa phát lại đã chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại”.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020. Với tư cách là một người đang hành nghề Thừa phát lại, tác giả nhận thấy mình có trách nhiệm góp tiếng nói của mình. Hiện, tác giả cùng với Văn phòng nơi làm việc là Thừa phát lại Bến Thành đã gửi văn bản kiến nghị, đề xuất đến Hội Thừa phát lại TP. Hồ Chí Minh đồng thời gửi đến Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp. Trên trang Blog Thừa phát lại, tác giả sẽ chia sẻ lại một số kiến nghị, đề xuất này. Đầu tiên là việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định hạn chế Thừa phát lại không được tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại sau khi đã chuyển nhượng văn phòng.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP thì Thừa phát lại đã chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại không được phép thành lập, tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại mới trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày chuyển nhượng, nhưng được phép hành nghề Thừa phát lại theo chế độ hợp đồng lao động.
Theo tác giả, đây là một quy định phù hợp, đúng đắn để đảm bảo sự ổn định của hệ thống Thừa phát lại, tránh việc lợi dụng việc cấp phép thành lập văn phòng Thừa phát lại để mua đi, bán lại trục lợi. Hãy tưởng tượng, một Thừa phát lại có điểm số cao trong bộ tiêu chí thành lập văn phòng Thừa phát lại như thời gian công tác pháp luật, thời gian công tác trong ngành thi hành án dân sự, thời gian công tác tại cơ quan quản lý nhà nước về thừa phát lại ... sẽ cho thuê thẻ để mở rồi rút từ văn phòng này đến văn phòng khác thì sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về thừa phát lại, làm ảnh hưởng đến nhu cầu mở văn phòng thực của những Thừa phát lại khác.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều cách hiểu, vận dụng khác nhau về nội hàm “Thừa phát lại đã chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại” tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 08, đặc biệt là tại 2 địa phương lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tại TP. Hồ Chí Minh, việc một Thừa phát lại từng là thành viên hợp danh (Công ty hợp danh) hoặc là Trưởng văn phòng (doanh nghiệp tư nhân) của một văn phòng Thừa phát lại thì điểm số bằng 0 nếu chưa rút tên đủ tối thiểu 05 năm. Đọc giả vui lòng tham khảo bộ tiêu chí thành lập Văn phòng Thừa phát lại của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tại đây.
Tuy nhiên, khoảng thời gian từ năm 2021-2022 tại Hà Nội, một số Thừa phát lại thôi thành viên hợp danh (Công ty hợp danh) hoặc là Trưởng văn phòng (doanh nghiệp tư nhân) dưới 05 năm vẫn được tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại dẫn đến các khiếu nại đến Sở Tư pháp và Bộ Tư pháp như một số báo chí đã đưa tin.
Tham khảo bài viết của Báo Công an nhân dân: Hà Nội: Những dấu hiệu bất thường trong việc thành lập hàng loạt Văn phòng Thừa phát lại
Thừa phát lại Đức Hoài trong một lần lập vi bằng hiện trạng |
Liệu rằng, một Thừa phát lại hợp danh rút tên không còn là Thừa phát lại hợp danh có được xem là “Thừa phát lại đã chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại”. Về nguyên tắc, một Thừa phát lại hợp danh rút tên thì Văn phòng Thừa phát lại đó vẫn thuộc về các thành viên hợp danh còn lại. Nếu cho rằng đây là trường hợp chuyển nhượng văn phòng thì chưa được thuyết phục.
Do đó, để thống nhất cách hiểu, tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 36 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP như sau: "Thừa phát lại thôi làm Trưởng văn phòng hoặc thành viên hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại không được phép thành lập, tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại mới trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày thôi làm Trưởng Văn phòng hoặc thành viên hợp danh, nhưng được phép hành nghề Thừa phát lại theo chế độ hợp đồng lao động".
0 Nhận xét