Blog Thừa phát lại - Ngay cả với một người dân bình thường, họ cũng đã tự quay phim, chụp hình hoặc bí mật ghi âm lại người khác và những tài liệu này cũng có thể trở thành nguồn chứng cứ tại Tòa án.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về
việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020. Với tư cách
là một người đang hành nghề Thừa phát lại, tác giả nhận thấy mình có trách
nhiệm góp tiếng nói của mình. Hiện, tác giả cùng với Văn phòng nơi làm việc là
Thừa phát lại Bến Thành đã gửi văn bản kiến nghị, đề xuất đến Hội Thừa phát lại
TP. Hồ Chí Minh đồng thời gửi đến Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp. Trên trang Blog
Thừa phát lại, tác giả sẽ chia sẻ lại một số kiến nghị, đề xuất này. Bài viết
này là kiến nghị Thừa phát lại được quay phim, chụp hình hoặc ghi âm khi lập vi
bằng.
Hiện tại, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP không
có quy định việc quay phim, chụp hình, ghi âm của Thừa phát lại khi tác nghiệp
lập vi bằng. Điều này gây ra những khó khăn nhất định cho các Thừa phát lại.
Ngay cả với một người dân bình thường, họ
cũng đã tự quay phim, chụp hình hoặc bí mật ghi âm lại người khác và những tài
liệu này cũng có thể trở thành nguồn chứng cứ tại Tòa án (Điều 82 Luật tố tụng
hành chính năm 2015, Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Điều 82 Bộ luật
tố tụng dân năm 2015).
Với tư cách là một người làm chứng, xác lập
văn bản quan trọng làm nguồn chứng cứ thì việc có hình ảnh, video, file ghi âm
kèm theo để Thừa phát lại chứng minh việc lập vi bằng của mình là rất quan
trọng. Trước đây, khoản 2 Điều 27 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP có quy định “Kèm
theo vi bằng có thể có hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác” tạo
ra sự thuận lợi nhất định cho Thừa phát lại trong việc quay phim, chụp hình lập
vi bằng. Tuy nhiên, Nghị định 08 đã bỏ quy định này.
Hình ảnh Thừa phát lại đang quay phim lập vi bằng hiện trạng |
Trên thực tế, Thừa phát lại luôn phải quay
phim, chụp hình, ghi âm khi lập vi bằng. Qua tham khảo, Sở Tư pháp các địa
phương đều đang có quan điểm khá thống nhất về việc vi bằng phải có hình ảnh
Thừa phát lại lập vi bằng. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, Thừa
phát lại có thể quay phim, chụp hình hoặc ghi âm do bị các bên khác phản đối,
ngăn cản vì Nghị định 08 không quy định việc này. Cá biệt, ngay cả chính khách
hàng của Thừa phát lại cũng từ chối chụp hình với Thừa phát lại.
Bản thân tác giả từng gặp nhiều trường hợp bị đe dọa hành hung, giật điện thoại, yêu cầu xóa video hình ảnh lập vi bằng. Đối với công việc làm chứng trong giai đoạn thật giả lẫn lộn hiện nay mà nói, hình ảnh, video, file ghi âm là rất quan trọng giúp Thừa phát lại chứng minh sụ việc việc mà mình làm chứng. Nếu chỉ là những lời làm chứng đơn thuần thì rất dễ bị nghi hoặc, phản bác.
Một số ý kiến phản đối, cản trở Thừa phát lại chụp hình vì họ viện dẫn quy định của Điều 32 và Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, việc chụp hình, ghi âm trong trường hợp này chỉ để phục vụ cho việc lập vi bằng; Thừa phát lại phải tuân thủ quy định về bảo mật thông tin theo Nghị định 08 nên việc cho phép Thừa phát lại quay phim, chụp hình hoặc ghi âm là cần thiết. Về lâu dài, nếu có Luật về Thừa phát lại và có quy định về việc quay phim, chụp hình, ghi âm của Thừa phát lại thì giải quyết được vấn đề này.
0 Nhận xét