Blog Thừa phát lại - Tôi hỏi công ty có luật sư tư vấn hay pháp chế gì không thì chị M trả lời là không. Đây là điều tôi rất bất ngờ dù công ty này nhìn qua có thể đến vài trăm công nhân và có nhà xưởng rộng lớn.
Giữa tháng 10/2024, tôi được một
công ty tại một huyện ở tỉnh Bình Dương mời đến để lập vi bằng ghi nhận lại lời
trình bày của một số nhân viên về sự việc một nhân viên cũ trước đây có xô xát
với nhân viên bảo vệ công ty. Dù nhận được yêu cầu này khá đột ngột, khách hàng
chưa cung cấp thông tin chi tiết nhưng đây là một vi bằng hết sức bình thường và
khách hàng đã đồng ý phí dịch vụ, chuyển tiền tạm ứng nên tôi và thư ký lập tức
từ Sài Gòn lên đường đi Bình Dương cho kịp thời gian.
Quãng đường từ trụ sở văn phòng
chúng tôi ở Quận 4 lên huyện này khá xa, khoảng 50 km. Có nhiều chỗ đường đông,
làn xe container và xe máy không có dải phân cách nên khá nguy hiểm (đặc biệt là
đường DT 743); trời lại mưa tháng 10 nên di chuyển khá vất vả. Quả thực, văn phòng
cũng mới thành lập nên chúng tôi tiết giảm chi phí bằng cách di chuyển bằng xe
máy.
Mất gần 1,5 tiếng đồng hồ chúng tôi
mới đến được công ty khách hàng. Họ đăng ký trụ sở trong một khu công nghiệp đồng
thời cũng là nhà xưởng sản xuất. Tiếp chúng tôi là chị M phụ trách về hành chính-nhân
sự và có mối quan hệ gia đình với chủ doanh nghiệp này. Điều đó làm chúng tôi
thoải mái trao đổi về hồ sơ lập vi bằng.
Thừa phát lại Đức Hoài đang đối chiếu hồ sơ người lập vi bằng |
Khi đã được cung cấp đủ hồ sơ và
khai thác được các thông tin mà tôi cho rằng là cần thiết thì mới thấy nội dung
cần lập vi bằng như đề nghị ban đầu là chưa đủ, chưa phù hợp với tính chất hồ sơ.
Chuyện là công ty này có một nhân viên nữ, trước đây do bức xúc về một vấn đề gì
đó với quản lý trong quá trình làm việc nên trong giờ làm việc đã văng tục, ngưng
việc, ảnh hưởng đến các công nhân khác đang làm việc trong dây chuyền. Nhân viên
bảo vệ được cử vào để mời chị này ra ngoài, tránh ảnh hưởng người khác thì bị
chị này vung tay đánh; sự việc có công an đến mời về trụ sở lập biên bản. Sau đó
thì chị này không quay lại công ty làm việc nữa. Đến ngày lĩnh lương cũng không
lên. Mấy tháng sau thì công ty được Tòa án huyện triệu tập lên vì chị này thưa
kiện công ty chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, đòi bồi thường. Đây là những thông
tin mà tôi nghe từ phía chị M.
Công ty đã tập hợp anh bảo vệ và
những người chứng kiến sự việc hôm đó (gom được 3 người thôi vì công nhân biến động
nhân sự nhiều) và muốn Thừa phát lại ghi lại lời trình bày của những người này
về việc nhân viên đó xô xát, công ty cho nghỉ việc là đúng.
Tôi hỏi chị M rằng công ty cho chị
này nghỉ việc theo hình thức nào, từ thời điểm nào, có làm những thủ tục và văn
bản gì rồi (tuy là một Thừa phát lại nhưng tôi có thói quen tìm hiểu kỹ thông
tin hồ sơ trước khi lập vi bằng chính thức; có lẽ tôi nên thử nghề luật sư!?).
Chị M nói rằng, do nhân viên kia đánh nhau, không đi làm trở lại nên công ty cắt
hợp đồng. Sau một hồi lục hồ sơ thì chị cung cấp cho chúng tôi quyết định cho
thôi việc với lý do nhân viên kia nộp đơn xin thôi việc; nhưng hỏi đơn xin thôi
việc đâu thì không có. Chị M nói là có nhưng hình như nhân viên kia xin lại rồi.
Chị M phụ trách hành chính-nhân sự
nhưng lúng túng không biết công ty cho nhân viên kia nghỉ việc là rơi vào trường
hợp nào. Chị thậm chí đề cập đến từ “sa thải” trong tình huống này. Tôi hỏi công
ty có luật sư tư vấn hay pháp chế gì không thì chị M trả lời là không. Đây là điều
tôi rất bất ngờ dù công ty này nhìn qua có thể đến vài trăm công nhân và có nhà
xưởng rộng lớn.
Bất đắc dĩ, tôi sử dụng vốn kiến
thức về lao động để đưa ra ý kiến tham vấn cho chị M và công ty về trường hợp này
trước khi lập vi bằng. Điều này là không trái với quy định về Thừa phát lại vì tôi
đã trao đổi với họ về tư cách Thừa phát lại của tôi, việc tôi đưa ra ý kiến
tham vấn là theo đề nghị của họ trước khi lập vi bằng và ý kiến của tôi chỉ là để
tham khảo mà không phải là ý kiến luật sư; họ vẫn khuyến nghị họ phải nhờ luật
sư tư vấn về trường hợp này.
Tôi đã từng nghe ý kiến của một vài
luật sư hoặc chuyên gia pháp luật rằng, pháp luật lao động đang khá “ưu ái” cho
người lao động khi dành cho họ nhiều quyền, bảo vệ họ nhiều hơn so với người sử
dụng lao động. Các chủ doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động dù người lao
động có vi phạm thì cần thông qua các trình tự, thủ tục nhất định. Các luật sư
khi đại diện người lao động kiện doanh nghiệp thường đánh vào thủ tục, xem chủ
doanh nghiệp đã thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục, thời hạn về chấm dứt hợp đồng
theo luật hay chưa. Chỉ một sai sót về thủ tục thì có thể bị xem là chấm dứt hợp
đồng trái luật.
Tôi lấy ví dụ về chấm dứt quan hệ
lao động bằng hình thức sa thải khi người lao động cố ý gây thương tích thì cần
04 bước cơ bản gồm: (1) Xác định hành vi vi phạm (ví dụ lập biên bản ghi nhận hành
vi vi phạm); (2) Tổ chức họp kỷ luật; (3) Ban hành quyết định sa thải; (4) Thông
báo về xử lý sa thải. Đối chiếu với hồ sơ của công ty mà tôi nêu ở trên thì rõ
ràng là chưa đủ nên nếu chị M đề cập đến hình thức sa thải ở vụ việc nhân viên
kia thì ra Tòa chỉ có thua.
Tôi xin phép giữ lại, không chia
sẻ phương án mà tôi tham vấn cho công ty. Cuối cùng, tôi vẫn lập vi bằng ghi nhận
lời trình bày của các nhân viên nhưng sự việc họ trình bày dài hơn, chi tiết hơn
và không chỉ dừng lại ở việc xô xát (tất nhiên vẫn đúng theo thực tế bởi họ cũng
được giải thích rõ là lời trình bày của họ có thể cung cấp cho Tòa án, cơ quan
chức năng khác). Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện những trích xuất cần thiết
khác để chứng minh mình chấm dứt hợp đồng là đúng, phù hợp với phương án mới mà
họ chọn.
Sự việc một công ty có vài trăm nhân
viên nhưng không có pháp chế doanh nghiệp, người làm hành chính-nhân sự thì hiểu
mơ hồ về luật lao động làm tôi liên tưởng đến một bài viết khá thú vị trên trang
facebook “Diep Ho” mà tôi từng đọc. Nội dung bài viết so sánh nghề luật
sư và bác sĩ hết sức thú vị, dí dỏm nhưng cũng chính xác. Tôi xin trích dẫn một
đoạn như sau: “Ngoài những điểm tương đồng về nghề nghiệp nói trên, vấn đề
thời điểm mà bạn tiếp cận các loại hình dịch vụ y tế và pháp lý (sớm hay muộn)
cũng có thể đưa đến những hiệu suất tương đối giống nhau. Nếu ngay từ khi phát
bệnh, bạn lập tức đến bác sĩ thăm khám và điều trị, chắc chắn sẽ có kết quả tốt
hơn so với lúc bệnh tình đã trầm kha. Cũng như thế, ngay từ khi cần xử lý một vấn
đề liên quan đến luật pháp, bạn gặp ngay luật sư, chắn chắn sẽ tốt hơn là khi sự
việc đã đưa ra Tòa hoặc đã được Tòa án xét xử”.
Ở nước ta, các doanh nghiệp không tiếc tiền cho các công cụ marketing, bán hàng, các khóa đào tạo, huấn luyện, chi phí mềm… và vô số thứ khác nữa mà thiếu chú trọng khâu tư vấn, chuẩn chỉnh pháp lý trong hoạt động của mình; một doanh nghiệp tối thiểu phải có bộ phận pháp chế hoặc nhân viên pháp chế. Khi xảy ra chuyện thì mới nhờ luật sư “bắt bệnh” thì đã “khó chữa”, khó khắc phục, tốn chi phí tranh chấp, tố tụng. Thua kiện, làm sai luật thì còn bị phạt, bồi thường, buộc khắc phục thiệt hại. Như doanh nghiệp ở trên, nếu làm đúng thủ tục cho chấm dứt hợp đồng lao động do nhân viên tự ý bỏ việc 5 ngày liên tục trở lên thì đâu đến nỗi … thôi thế thì cũng đã nói rồi.
0 Nhận xét