Blog Thừa phát lại - Thừa phát lại có mối liên hệ như thế nào với Công chứng viên? Bài viết sau đây là góc nhìn của Thực tập sinh Thừa phát lại Lê Huỳnh Văn Tây (K1-Thừa phát lại Bến Thành) - Sinh viên luật năm 3 - Trường Đại học Văn Lang.
Lưu ý: Nội dung bài viết là góc nhìn của một sinh viên Luật và không nhất thiết trùng với quan điểm của Blog Thừa phát lại.
Trong lĩnh vực
pháp lý mối quan hệ giữa công chứng viên và Thừa phát lại đóng vai trò vô cùng
quan trọng. Hai bên này không chỉ là những đối tác mà còn là những người cùng hỗ
trợ nhau trong quá trình xác nhận tính chính xác và hợp pháp của các văn bản,
tài liệu pháp lý liên quan tới từng vấn đề nhất định.
Mặc dù lúc mới tiếp
cận ta có thể thấy rằng, những công việc giữa hai bên hoàn toàn khác nhau, họ
thực hiện công việc khác nhau theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tìm hiểu
và nhìn nhận sau vào từng lĩnh vực thì ta sẽ thấy được những mối liên hệ giữa 2
bên trong một số lĩnh vực cụ thể, từ đó hỗ trợ nhau trong quá trình xác nhận
tính xác thực, hợp pháp của các tài liệu pháp lý cũng những những sự kiện xảy
ra trong thực tế.
Hiện nay, Thừa
phát lại là một nghề luật mới tại Việt Nam. Với một sinh viên luật đang ngồi
trên ghế nhà trường thì tôi hoàn toàn không được học pháp luật về nghề này. Nó
là nghề khá xa lạ với tôi. Tuy vậy, hiện tôi lại đang là một thực tập sinh tại
một Văn phòng Thừa phát lại. Đây là một điều khá thú vị. Định hướng của tôi là
sau này sẽ trở thành một Công chứng viên. Do đó, trong quá trình thực tập, tôi
muốn tìm hiểu điểm tương đồng và khác biệt của một Công chứng viên và một Thừa
phát lại. Nếu thực tập ở Thừa phát lại thì giúp ích gì cho tôi trong công việc
sau này.
Vậy, mối quan hệ
bổ trợ giữa thừa phát lại và công chứng viên như thế nào? Bài viết này sẽ chia
sẻ những gì mà tôi tìm hiểu được.
Chức năng của Công chứng viên
Công chứng viên là
những người có chuyên môn trong việc chứng thực các văn bản và xác minh tính hợp
pháp của các văn bản, hợp đồng dân sự theo yêu cầu của khách hàng (Khoản 1 Điều
2 Luật công chứng 2014).
VD: Trong quá
trình mua bán bất động sản hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu, công chứng viên thường
được yêu cầu để xác nhận tính chính xác của các tài liệu như hợp đồng mua bán,
bản ghi chứng từ, và các tài liệu pháp lý khác. Họ cũng chứng thực các chữ ký
và xác nhận danh tính của các bên liên quan.
Chức năng của Thừa phát lại
Thừa phát lại là
người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều
kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật
(Khoản 1 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP).
Những công việc
mà Thừa Phát lại thực hiện: (i) Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan,
tổ chức. (ii) Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi
hành án dân sự. (iii) Tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án
theo yêu cầu của đương sự. (iv) Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của
đương sự (Điều 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP). Như vậy, thừa phát lại là một chức
danh bổ trợ tư pháp, giống tên gọi của một số chức danh tư pháp khác như: thẩm
phán, kiểm sát viên, luật sư, công chứng viên…
Mối quan hệ bổ trợ giữa Thừa phát lại và Công chứng viên
Trong mối quan hệ
với công chứng viên, Thừa phát lại cung cấp các tài liệu và thông tin cần thiết
để công chứng viên có thể xác minh và chứng thực các giao dịch pháp lý. VD: Thừa
phát lại sẽ cung cấp bản gốc hoặc sao chép của các văn bản quan trọng như giấy
tờ tài sản, giấy chứng nhận quyền sở hữu, và các hợp đồng liên quan,.. để công
chứng viên có thể biết các giao dịch đó có hợp pháp hay không để công chứng, chứng
thực cho các giao dịch đó.
Thực tập sinh Huỳnh Văn Tây (giữa) trong một lần thực hành tình huống lập vi bằng mô phỏng tại VP Thừa phát lại Bến Thành |
Mối quan hệ giữa
công chứng viên và Thừa phát lại là một quan hệ bổ trợ mà hai bên cùng hợp tác
với nhau để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp của các giao dịch pháp lý.
Hoạt động của Thừa
phát lại có những nét giống với hoạt động của công chứng viên, nhất là hành vi
công chứng và hành vi lập vi bằng. Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động lập vi bằng
nói chung và các vi bằng nói riêng cũng hỗ trợ cho hoạt động của các Công chứng
viên. Hai bên này cùng hỗ trợ nhau để đảm bảo tính chính xác và hợp pháp của
các giao dịch pháp lý. Sự hiểu biết và sự hợp tác giữa công chứng viên và Thừa
phát lại là chìa khóa cho việc thành công trong các giao dịch pháp lý và mang đến
lợi ích cho bên khách hàng.
Cụ thể Công chứng
viên sẽ chứng nhận tính hợp lệ và chính xác của các tài liệu và giao dịch pháp
lý đang diễn ra trong quá trình lập vi bằng của Thừa phát lại và đảm bảo rằng
quy trình thực hiện giao dịch diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
Ví dụ: Để tránh xảy
ra tranh chấp liên quan đến tính hợp pháp trong quá trình lập di chúc. Khách
hàng sẽ yêu cầu cả Công chứng viên và Thừa phát lại tham gia gia vào quá trình
lập di chúc của mình. Trong trường hợp này,
Công chứng viên và Thừa phát lại chính là đối tác của nhau, cùng đảm bảo
cho việc lập di chúc đó diễn ra theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Thừa
phát lại sẽ thực hiện việc lập vi bằng quá trình di chúc và công chứng viên sẽ
chứng kiến quá trình viết di chúc và đảm bảo rằng khách hàng viết di chúc là tỉnh
táo và có ý thức về những gì mình đang làm. Cả hai đều có vai trò quan trọng đảm
bảo rằng di chúc được viết một cách rõ ràng và hợp pháp.
Thực tập Thừa phát lại mang lại những lợi ích nhất định
Dưới góc độ là một
sinh viên luật, tôi cho rằng việc lựa chọn Thừa phát lại thì sẽ có thể tiếp thu
kinh nghiệm cũng như có thể cải thiện một số kỹ năng tư duy cho quá trình hành
nghề công chứng như sau:
Thực hành và nâng cấp kỹ năng tư duy pháp lý trong quá trình thực tập
Thực tập tại văn
phòng thừa phát lại giúp bạn hiểu rõ hơn về các quy định và quy trình pháp lý
liên quan đến thừa phát lại. Điều này cực kỳ hữu ích khi bạn bắt đầu sự nghiệp
công chứng của mình tương lai của mình.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp và thực hành
Thực tập cung cấp
cơ hội cho bạn áp dụng các kiến thức lý thuyết vào thực tế. Bạn có thể học được
cách thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như kiểm tra tài liệu, xác minh danh tính và
chứng nhận giao dịch.
Ngoài ra, khi làm
việc tại văn phòng cũng đòi hỏi bạn phải giao tiếp một cách rõ ràng và hiệu quả
với các bên liên quan (có thể là khách hàng, đồng nghiệp, người hướng dẫn..). Bạn
cũng sẽ có cơ hội làm việc trong môi trường nhóm với các bạn thực tập sinh cùng
khóa hoặc cùng nhau làm việc với các anh chị tại văn phòng, từ đó phát triển kỹ
năng làm việc nhóm của mình và giúp đỡ công việc của mình trong tương lai.
Xây dựng mối quan hệ để hỗ trợ công việc trong tương lai
Thực tập cung cấp
cơ hội để gặp gỡ và làm việc cùng các chuyên gia trong lĩnh vực Thừa phát lại.
Khi tham gia quá trình làm việc như lập vi bằng cùng các anh chị Thừa phát lại
thì ta có thể gặp được nhiều người hơn (như gặp gỡ được các công chứng viên
khác đang làm việc cùng các Thừa phát lại). Họ có thể giới thiệu hoặc hỗ trợ
trong quá trình làm việc còn bỡ ngỡ của mình.
Ngoài ra, trong
tương lai nếu mình được làm Công chứng viên thì khi có những vấn đề cần Thừa
phát lại hỗ trợ thì mình có thể sử dụng mối quan hệ trên để có thể giải quyết
công việc một cách nhanh chóng hơn. Và ngược lại khi Thừa phát lại cần giúp đỡ
trong quá trình đảm bảo tính xác thực của các giao dịch thì mình sẽ giúp đỡ từ
đó cũng giúp mình tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn hơn và cải thiện kỹ
năng pháp lý của mình.
Cảm nhận bản thân trong thời gian thực tập Thừa phát lại
Quá trình phỏng vấn ban đầu
Sau buổi phỏng vấn
ít ngày, số anh chị đang trong kỳ thực tập tại các trường đại học được nhận vào
khoảng năm người. Sinh viên thực tập theo hình thức partime chúng tôi thì đa phần
được nhận vào thực tập hết (khoảng 3 bạn) vì văn phòng cũng tạo điều kiện cho
sinh viên đi thực tập để tiếp thu kinh nghiệm.
Trong khoảng thời gian thực tập hai tuần qua
Đầu tiên, chúng
tôi được cung cấp kiến thức liên quan đến Thừa phát lại: Công việc của Thừa
phát lại là xác minh điều kiện thi hành án, lập vi bằng, tổ chức thi hành án, tống
đạt văn bản theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP và Thông tư 05/2020/TT-BTP.
Thứ hai, công việc
mà tôi đã được tham gia chính là đánh văn bản cho các đoạn ghi âm hoặc sắp xếp
các hình ảnh và đưa cho các anh chị kiểm tra.
Cuối cùng, khi đến
thực tập tại văn phòng tôi được các anh chị ở văn phòng hướng dẫn chỉ bảo rất tận
tình. Không khí ở văn phòng lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở giữa các thư ký.
Những điều rút ra sau khi thực tập tại văn phòng Thừa phát lại
Văn phòng chủ yếu
thực hiện các công việc liên quan tới lập vi bằng. Nếu có cơ hội, tôi muốn cùng
các anh chị Thừa phát lại tham gia và chứng kiến cách lập một vi bằng trên thực
tế.
Ngoài ra, môi trường
làm việc tại văn phòng khá là năng động, các anh chị thư ký tại văn phòng luôn
tạo điều kiện và hướng dẫn cụ thể cho sinh viên thực tập được tiếp thu các công
việc mà các anh chị đang làm.
Dưới góc độ là một
sinh viên đang tham gia quá trình thực tập tại văn phòng Thừa phát lại, tôi nhận
thấy rằng việc thực tập tại đây sẽ cho chúng ta những trải nghiệm mới mẻ trong
ngành nghề. Ngoài ra, cũng có thêm môi trường mới để chúng ta có thể tiếp cận,
cải thiện được kỹ năng mềm của bản thân.
Hy vọng sau khi xem xong những lời chia sẻ của tôi thì các bạn sinh viên luật sắp đi kiến tập, thực tập liên quan đến lĩnh vực Thừa phát lại sẽ có những định hướng thêm về việc đi thực tập và công việc tương lai của mình.
0 Nhận xét