Blog Thừa phát lại - Trong trường hợp Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận một người truy cập vào email của người khác mà không được sự uỷ quyền hợp pháp của người này thì được coi là vi phạm bí mật đời tư nên Vi bằng không có giá trị pháp lý để xem xét.
Về lý luận, những gì đáp ứng được
thuộc tính khách quan, liên quan và hợp pháp thì được xem là chứng cứ. Các nhà
làm luật chuyển ngữ các thuộc tính này vào quy định pháp luật.
Ví dụ, Điều 93 Luật tố tụng dân sự
quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được
đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án
trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục
do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ
để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự
phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Tính khách quan
Việc hình thành một sự kiện, tình
tiết có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân (trong đó có hành vi con người),
nhưng một khi sự kiện, hiện
tượng, tình tiết đó đã ra đời và được coi là chứng cứ, thì nó tồn tại một cách
khách quan với ý thức, tác động của con người (kể cả người đã tạo ra nó).
Mọi sự tác động của con người đều
có khả năng làm thay đổi các thông tin, tài liệu, đồ vật nên sẽ không đảm bảo sự
khách quan.
Áp dụng vào việc lập vi bằng internet
và thiết bị điện tử, Thừa phát lại phải đảm bảo rằng, các thông tin được phát
hiện trong vi bằng không bị can thiệp, tác động thay đổi từ các thao tác Thừa
phát lại hoặc người khác.
Ví dụ, khách hàng đề nghị Thừa
phát lại lập vi bằng nội dung website bị cơ quan có thẩm quyền/chủ sở hữu chặn
các máy tính/mạng có địa chỉ IP tại Việt Nam xem. Thừa phát lại cố tình thay đổi
địa chỉ IP máy tính để có thể truy cập trang. Việc này không đảm bảo sự khách
quan của thông tin trang web được thu thập.
Ví dụ, khi lập vi bằng ghi nhận
bài báo online, Thừa phát lại chụp hình bài báo nhưng đã loại bỏ một số phần của
bài báo (mà không nêu rõ trong vi bằng) hoặc Thừa phát lại đã thay đổi link
liên kết dẫn đến bài viết.
Ví dụ, khi lập vi bằng trích xuất
file ghi âm từ thiết bị USB, Thừa phát lại sử dụng phần mềm để cắt bớt 1 số phần
trong file ghi âm gốc và ghép các phần còn lại thành 1 file ghi âm mới rồi mới
lập vi bằng.
Ví dụ, khi lập vi bằng trên
youtube, Thừa phát lại và khách hàng đã tự ý sửa lượt xem của video, đưa vào vi
bằng.
Tính liên quan
Tính liên quan của chứng cứ được
thể hiện ở chỗ nó phải có mối liên hệ với các sự kiện cần chứng minh trong vụ
việc, dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án mới là chứng cứ.
Ví dụ, vi bằng ghi nhận một tài
khoản (không xác định được danh tính) nói xấu anh A thì anh A không thể sử dụng
được vi bằng đó để khởi kiện dân sự anh B.
Ví dụ, anh A muốn chứng minh sự
việc mình đã giao tiền đặt cọc mua nhà 100 triệu cho chị B (giao tiền mặt,
không có giấy tờ) nên đề nghị Thừa phát lại lập vi bằng trích xuất một đoạn ghi
âm liên quan đến việc anh A nói chuyện với chị B. Tuy vậy, đoạn ghi âm không có
từ nào thể hiện việc chị B trực tiếp hoặc gián tiếp xác nhận đã nhận cọc 200
triệu của anh A.
Thừa phát lại Đức Hoài đang lập vi bằng ghi nhận tin nhắn zalo |
Tính hợp pháp
Nghĩa là cách thức thu thập chứng
cứ được thực hiện đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định. Vi bằng là một
loại văn bản ghi nhận, xác nhận hành vi, sự kiện pháp lý do người có chức năng
lập và trở thành chứng cứ nếu được lập đúng trình trình tự, thủ tục do pháp luật
quy định (khoản 9 Điều 95 BLTTDS 2015, khoản 9 Điều 82 BLTTHC 2015).
Để đảm bảo giá trị chứng cứ,
trong quá trình lập vi bằng, Thừa phát lại phải tuân thủ thủ tục lập vi bằng tại
Nghị định số 08 và các pháp luật liên khác.
Chúng ta có thể tham khảo học
thuyết “quả trên cây độc” của pháp luật Hoa Kỳ. Học thuyết này có thể hiểu đơn
giản là nếu trình tự thu thập chứng cứ (được xem là rễ cây, thân cây, cành cây)
không tuân thủ quy định pháp luật (nghĩa là cây đã bị nhiễm độc), thì các chứng
cứ được thu thập (quả của cây) cũng được xem là không hợp pháp (quả cũng bị nhiễm
độc theo), bị loại trừ sử dụng. Sự loại trừ này diễn ra ở hai cấp độ.
Ở cấp độ thứ nhất sẽ loại trừ các
chứng cứ được tìm thấy, được thu thập được trực tiếp từ hành vi thu thập bất hợp
pháp (tạm gọi là chứng cứ sơ phát).
Ví dụ, khi cơ quan điều tra khám
xét nhà và tìm thấy bằng chứng phạm tội ở đó, nếu việc khám xét được xác định
là trái luật, thì bằng chứng phạm tội tìm được cũng bị loại trừ theo.
Áp dụng vào việc lập vi bằng, nếu
Thừa phát lại và khách hàng không được sự đồng ý của chủ sở hữu camera mà truy
cập camera để lập vi bằng thì các phát hiện của Thừa phát lại là không hợp
pháp, không có giá trị chứng cứ. Hoặc trong trường hợp Thừa phát lại lập vi bằng
ghi nhận một người truy cập vào email của người khác mà không được sự uỷ quyền
hợp pháp của người này thì được coi là vi phạm bí mật đời tư nên Vi bằng không
có giá trị pháp lý để xem xét[1].
Ở cấp độ thứ hai sẽ loại trừ các
chứng cứ được thu thập dựa trên các chứng cứ sơ phát “đã nhiễm độc”.
Ví dụ, khi cơ quan điều tra khám
xét nhà trái phép của một người nhằm thu thập chứng cứ về hành vi cố ý gây
thương tích thì tìm thấy một cuốn sổ ghi chép việc cho vay nặng lãi từ đó buộc
tội anh ta có hành vi cho vay nặng lãi.
Áp dụng vào việc lập vi bằng, chồng
của khách hàng ngoại tình với người khác trong khách sạn; dù không được sự đồng
ý của người chồng/phía đại diện khách sạn nhưng khách hàng đã tự ý chạy lên
phòng và quay được cảnh trần truồng của chồng và người tình (bên thứ ba). Sau
đó, khách hàng cung cấp video và đề nghị Thừa phát lại lập vi bằng trích xuất nội
dung video. Khi đó, vi bằng của Thừa phát lại có khả năng bị bác vì người vợ đã
sử dụng phương thức trái quy định pháp luật để có được video cung cấp cho Thừa
phát lại lập vi bằng.
Nếu chỉ chứng kiến các sự kiện, hành vi như yêu cầu của khách hàng thì Thừa phát lại chỉ là một người làm chứng cơ học. Tôi cho rằng, nghề Thừa phát lại đòi hỏi nhiều hơn thế. Thừa phát lại cần nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến đối tượng mà mình làm chứng, cũng như quy định pháp luật về chứng cứ để nhận biết trường hợp nào mình có thể tiếp nhận lập vi bằng, việc lập vi bằng của mình phải giúp khách hàng đạt được mục đích sử dụng làm chứng cứ và vi bằng được lập đáp ứng các thuộc tính chứng cứ mà không bị bác bỏ.
[1]
Bản án số 29/KDTM-PT ngày 30/06/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố
Hồ Chí Minh.
0 Nhận xét