Blog Thừa phát lại - Trong quy trình thu giữ thì có những công việc sau đây cần có người làm chứng chuyên nghiệp như Thừa phát lại chứng kiến, quay phim, chụp hình nhằm chứng minh việc thu giữ đúng quy trình, tránh được tranh chấp, tố cáo về mất mát, hư hỏng tài sản.
Thu giữ tài sản đảm bảo là một trong những hoạt động của các tổ chức tín dụng, các công ty mua bán nợ (sau đây gọi chung là “tổ chức tín dụng”). Việc này xảy ra khi bên được bảo đảm không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ đúng thỏa thuận. Đây là một phương án thu hồi nợ nhanh chóng mà không thông qua con đường tố tụng tại Tòa án, đảm bảo an toàn trong lĩnh vực tín dụng.
Hãy cùng Blog Thừa phát lại tìm hiểu về hoạt động này
nhé.
Lịch sử quy định về thu giữ tài sản bảo đảm
Xin được bắt đầu từ thời điểm Bộ luật Dân sự năm 1995,
Bộ luật Dân sự đầu tiên sau năm 1975 được ban hành. Điều 324 Bộ luật dân sự này
quy định 07 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong các biện pháp bảo
đảm mang tính “đối vật” quy định tại Bộ luật dân sự này thì biện pháp cầm cố và
thế chấp là hai biện pháp mà tài sản bảo đảm có thể không do bên nhận bảo đảm
giữ.
Thế chấp tài sản là một giao dịch điển hình trong lĩnh vực tín dụng |
Cầm cố tài sản là việc bên có nghĩa vụ giao tài sản là động sản thuộc sở hữu của mình cho bên có quyền để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự; nếu tài sản cầm cố có đăng ký quyền sở hữu, thì các bên có thể thoả thuận bên cầm cố vẫn giữ tài sản cầm cố hoặc giao cho người thứ ba giữ (khoản 1 Điều 329).
Bất động sản thế chấp do bên thế chấp giữ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận giao cho bên nhận thế chấp hoặc người thứ ba giữ (khoản 2 Điều 346).
Từ đó, khi bên được bảo đảm vi phạm nghĩa vụ thì sẽ đồng thời phát sinh quyền của bên nhận bảo đảm tiếp nhận, quản lý tài sản này để xử lý. Tuy đều có quy định quyền xử lý tài sản bảo đảm nhưng Bộ luật Dân sự năm 1995, Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành đều không quy định trực tiếp quyền thu giữ tài sản của bên nhận bảo đảm, ví dụ Điều 27 Nghị định 165/1999/NĐ-CP quy định:
Sau khi thông báo yêu cầu xử lý tài sản, bên nhận bảo đảm có quyền thực hiện hoặc yêu cầu bên bảo đảm thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ tài sản bảo đảm.
Điều này dẫn đến tình trạng dù có đem tài sản bảo đảm
ra đấu giá thành công thì bên nhận bảo đảm cũng không thể giao tài sản đó cho
người trúng đấu giá.
Đến Nghị định số 163/2006/NĐ-CP thì việc xử lý tài sản
bảo đảm đã có một bước nhảy vọt. Chính phủ đã cho phép các tổ chức tín dụng được
quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Đặc biệt, việc thu giữ này được tiến hành mà
không cần phải có thỏa thuận từ trước trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm.
Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết (khoản 1 Điều 63).
Ngoài ra, bên nhận bảo đảm còn được yêu cầu Ủy ban
nhân dân, cơ quan công an hỗ trợ giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm thực hiện
quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp “Bên giữ tài sản bảo đảm có dấu
hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi
vi phạm pháp luật khác” (khoản 5 Điều 63).
Quy định này tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các tổ
chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, quá trình thu
giữ vẫn gặp phải những trường hợp khó xử, rủi ro pháp lý cho các tổ chức tín dụng
như bên bảo đảm khiếu nại là không nhận được thông báo xử lý tài sản bảo đảm,
bên khiếu nại khóa trái cửa nhà (tài sản bảo đảm) bỏ đi nơi khác, khiếu nại việc
mất mát tài sản trong quá trình ngân hàng thu giữ tài sản, khiếu nại việc bị
xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp...
Rất may cho các tổ chức tín dụng, giai đoạn này Thừa
phát lại đã bắt đầu được thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương
khác. Một trong những chức năng quan trọng của Thừa phát lại là chứng kiến sự
kiện, hành vi lập thành các “vi bằng chứng”.
Để hạn chế rủi ro, các tổ chức tín dụng trong giai đoạn
này thường nhờ Thừa phát lại lập vi bằng để làm chứng cứ chứng minh mình không
vi phạm nghĩa vụ, không vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ.
Ví dụ, để hạn chế việc bên bảo đảm khiếu nại là không
nhận được thông báo xử lý tài sản bảo đảm thì tổ chức tín dụng mời Thừa phát lại
chứng kiến, lập vi bằng giao thông báo; để hạn chế việc bị khiếu nại làm mất
mát tài sản thì mời Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng, kiểm kê tài
sản bên trong căn nhà thu giữ...
Giai đoạn này, tác giả thường làm việc với đơn vị xử
lý nợ của Ngân hàng Techcombank, OCB... và thấy rằng, các đơn vị này thực hiện
quyền thu giữ tài sản rất hiệu quả.
Chuyên viên xử lý nợ của một Ngân hàng đang thu giữ căn hộ là tài sản bảo đảm |
Bộ luật Dân sự năm 2015 ra đời là một “cái tát trời
giáng” vào nghiệp vụ thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Tuy vẫn
quy định, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ
tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực
hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; nhưng nếu như người đang giữ tài sản
không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm yêu cầu Toà án giải quyết, trừ trường hợp
luật liên quan có quy định khác (Điều 301).
Về nguyên tắc, văn bản quy phạm pháp luật chấm dứt hiệu
lực thì văn bản hướng dẫn thi hành cũng chấm dứt hiệu lực theo nên Nghị định
163/2006/NĐ-CP chấm dứt hiệu lực theo Bộ luật Dân sự năm 1995. Ngoài ra, Luật
có giá trị cao hơn Nghị định nên trong trường hợp này phải theo Bộ luật Dân sự
2015.
Như vậy, bên nhận bảo đảm không còn quyền thu giữ tài
sản bảo đảm như quy định trước đây.
Đến khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của
Quốc hội ra đời thì từ ngày 15/8/2017 trở đi, các tổ chức tín dụng được quyền
thu giữ tài sản bảo đảm trở lại.
Tuy nhiên, tài sản bảo đảm được thu giữ phải phát sinh
từ các khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017 (tức các khoản nợ
phát sinh sau ngày này thì sẽ không được áp dụng Nghị quyết 42 để thu giữ tài sản
bảo đảm). Ngoài ra, khoản 2, Điều 7, Nghị quyết số 42 quy định, tổ chức tín dụng
phải đáp ứng được đầy đủ 05 điều kiện thì mới có quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Trong đó, điều kiện thứ hai là “Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc
bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền
thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo
đảm theo quy định của pháp luật” trong khi các hợp đồng bảo đảm phát sinh
trước ngày 15/8/2017 thì hầu như không có điều khoản này (bởi vì trước đây theo
tinh thần Nghị định 163 thì quyền thu giữ tài sản bảo đảm là đương nhiên, không
cần thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm).
Tóm lại, Nghị quyết số 42 ra đời nhằm tiếp tục trao
quyền cho các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm nhưng thực tế ít có hồ
sơ tín dụng nào đáp ứng đầy đủ 05 điều kiện tại Nghị quyết này để tổ chức tín dụng
tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm.
Các Văn phòng Thừa phát lại giai đoạn này cũng ít được
nhận các hồ sơ lập vi bằng liên quan đến nghiệp vụ này.
Tuy nhiên có vẻ các tổ chức tín dụng, văn phòng Thừa
phát lại sắp có tin vui. Hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm đang được xem xét
đưa vào Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng. Theo dự thảo Luật mà Blog Thừa
phát lại cập nhật được thì về cơ bản, các nội dung về thu giữ tài sản bảo đảm
được tiếp thu, kế thừa từ Nghị quyết số 42 nhưng có 03 điểm mới đó là:
Thứ nhất, dự thảo quy định các tổ chức tín dụng được mời
Thừa phát lại để lập vi bằng ghi nhận việc niêm yết văn bản thông báo thu giữ tại
trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã (điểm c khoản 3 Điều 189).
Thứ hai, dự thảo quy định các tổ chức tín dụng được sử
dụng dịch vụ Thừa phát lại để lập vi bằng ghi nhận việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Vi bằng là tài liệu thay thế biên bản bàn giao tài sản trong hồ sơ đề nghị cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản (điểm b khoản 5 Điều 189).
Thứ ba, việc thu giữ tài sản áp dụng được với hợp đồng
bảo đảm được ký ở mọi thời điểm (miễn là các bên đã có thỏa thuận việc này
trong hợp đồng bảo đảm), giúp hạn chế nhược điểm của Nghị quyết số 42 (chỉ cho phép thu giữ các tài sản hình thành từ khoản nợ trước ngày 15/08/2017.
Dự kiến Quốc hội sẽ có ý kiến về dự thảo Luật này tại
kỳ họp thứ 6 năm 2023.
Việc thu giữ tài sản bảo đảm hiện hành của các tổ chức tín dụng
Hiện, hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức
tín dụng được thực hiện theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc
hội. Qua nghiên cứu Nghị quyết này, Blog Thừa phát lại thấy có các nội dung sau
đây đáng lưu tâm:
Đối tượng được thu giữ
- Tài sản thu giữ
là tài sản bảo đảm của khoản nợ được hình thành và xác định là nợ xấu trước
ngày 15/8/2017; hoặc
- Tài sản bảo đảm của
khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong
thời gian Nghị quyết 42 hiệu lực.
|
Điều kiện thu giữ
Việc thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực
hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
(1) Tài sản thu giữ
là tài sản bảo đảm của khoản nợ đáp ứng khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 42.
(2) Khi xảy ra trường
hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 của Bộ luật Dân sự[1];
(3) Tại hợp đồng bảo
đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy
ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;
(4) Giao dịch bảo đảm
hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng ký theo quy định của pháp luật;
(5) Tài sản bảo đảm
không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải
quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án
áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện
pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật[2];
(6) Tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành
nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.
Nếu là động sản:
- Đăng tải thông
tin trên trang thông tin điện tử của mình;
- Niêm yết văn bản
thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên bảo đảm đăng ký địa chỉ
theo hợp đồng bảo đảm;
- Thông báo cho bên
bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm
theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm.
Nếu là bất động sản:
Ngoài việc thực hiện thông báo như động
sản nêu trên thì còn thông báo, niêm yết như sau (và phải thực hiện chậm nhất
là 15 ngày trước ngày thu giữ):
- Gửi văn bản thông
báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm;
- Gửi văn bản thông
báo cho cơ quan công an có tài sản bảo đảm;
- Niêm yết văn bản
thông báo tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản bảo đảm.
Thủ tục tiền thu giữ
(1) Kiểm tra khoản nợ
có phải là nợ xấu theo khoản 1 Điều 42 Nghị quyết số 42.
(2) Chứng minh khách
hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Điều 299 BLDS 2015.
(3) Kiểm tra hợp đồng
bảo đảm có thỏa thuận quyền thu giữ tài sản của tổ chức tín dụng.
(4) Kiểm tra giao dịch
bảo đảm/biện pháp bảo đảm đã được đăng ký giao dịch bảo đảm.
(5) Kiểm tra tài sản
bảo đảm có đang là tài sản tranh chấp trong vụ án/bị tòa án áp dụng biện pháp
khẩn cấp tạm thời/bị kê biên/áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không?
(6) Đã thực hiện thủ
tục giao quyết định thu giữ cho đương sự, thông báo cho ủy ban nhân dân, công
an nhân dân, niêm yết văn bản theo khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 7 Nghị quyết số 42.
Lưu ý khi thu giữ
Lưu ý chung:
- Phải liên hệ và
nhận được sự đồng ý hợp tác từ Ủy ban nhân dân và cơ quan công an. Vì sao? Nếu
có sự bất hợp tác thì cần có cơ quan công an sẽ giúp đảm bảo an ninh, trật tự; Ủy
ban nhân dân phải tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ.
- Khi tiếp cận tài sản
bảo đảm thì cần phải công bố quyết định thu giữ công khai, minh bạch trước sự
chứng kiến của chính quyền địa phương.
- Có yêu cầu bằng lời
nói rõ ràng về việc toàn bộ người bên trong tài sản bảo đảm di chuyển ra bên
ngoài và yêu cầu di dời tài sản khác ra khỏi tài sản bảo đảm.
- Tuyệt đối không
được di chuyển trái phép người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khuyết tật
(sức khỏe, nhận thức) ra khỏi tài sản bảo đảm.
Lưu ý riêng:
o Đối với bất động
sản:
- Nếu bên bảo đảm,
người đang quản lý tài sản bảo đảm không có mặt thì việc mở khóa không được làm
hư ổ khóa, tài sản khác của bên bảo đảm.
- Sau khi mở khóa
thì cần có Thừa phát lại, chính quyền địa phương tham gia chứng kiến việc ghi
nhận hiện trạng, kiểm kê tài sản trong nhà (càng chi tiết càng tốt) nhằm dự phòng
rủi ro bên bảo đảm tranh chấp, tố cáo việc mất mát tài sản.
- Kiểm tra đồng hồ điện,
nước của nhà ở.
- Sau khi đã tiếp
nhận được tài sản bảo đảm thì cần niêm phong, khóa cửa bằng ổ khóa của mình
nhưng trước đó phải kiểm tra xem còn ai ở trong căn nhà này.
- Nếu có di dời tài
sản của bên bảo đảm để lại thì cần có có người chứng kiến quá trình kiểm kê, di
dời các tài sản này. Kho lưu trữ cũng phải có điều kiện phù hợp để lưu trữ tài
sản (ví dụ, hàng đông lạnh thì phải đảm bảo nhiệt độ bảo quản trong quá trình
di dời và kho đến phù hợp lưu trữ hàng đông lạnh).
o Đối với động sản
(xe):
- Cần ghi nhận lại
hiện trạng xe bên ngoài lẫn bên trong lúc thu giữ (mọi vị trí trên xe cần được
quay phim, chụp hình) tránh trường hợp bên bảo đảm cho rằng họ bị thất thoát tài
sản;
- Quá trình di chuyển
xe về kho lưu giữ cũng cần có người chứng kiến.
Kiểm kê tài sản trên xe ô tô thu giữ là một công việc quan trọng, phải có trong quá trình thu giữ |
Sự hỗ trợ của Thừa phát lại trong quá trình thu giữ
Như trên đã đề cập, việc thu giữ tài sản bảo đảm là quyền của tổ chức tín dụng nhưng nếu bên bảo đảm không hợp tác, việc thu giữ nóng vội, trái quy trình thì dẫn đến rủi ro cho các tổ chức tín dụng (đặc biệt là thiệt hại thương hiệu) [3].
Trong quy trình thu giữ thì có những công việc sau đây
cần có người làm chứng chuyên nghiệp như Thừa phát lại chứng kiến, quay phim,
chụp hình nhằm chứng minh việc thu giữ đúng quy trình, tránh được tranh chấp, tố
cáo về mất mát, hư hỏng tài sản:
- Làm chứng việc
giao quyết định, thông báo thu giữ cho bên bảo đảm;
- Làm chứng việc
đăng tải thông tin thu giữ trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng;
- Làm chứng việc
niêm yết văn bản tại Ủy ban nhân dân (nếu Ủy ban không xác nhận niêm yết);
- Làm chứng việc
thu giữ tài sản từ việc tiếp cận đến ghi nhận mở khóa, hiện trạng, kiểm kê, di
dời tài sản.
Thực tế, việc tham gia của Thừa phát lại vào quá trình
thu giữ làm cho bên bảo đảm hợp tác hơn hoặc hạn chế khiếu nại, tranh chấp hơn
vì biết rằng, các tổ chức tín dụng đã có một bên thứ ba làm chứng, tư vấn pháp luật
nên khó xảy ra sai sót.
[1] Đến
hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực
hiện không đúng nghĩa vụ; Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm
trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật;
Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định (Điều 299 BLDS
2015).
[2] Trường
hợp tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là tài sản của bên thứ ba mà bên được bảo
đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã đã bị Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá
sản và đang trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản thì tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ
tài sản bảo đảm đó và xử lý theo quy định của pháp luật hoặc đề nghị Tòa án có
thẩm quyền giải quyết trong quá trình giải quyết phá sản theo quy định của pháp
luật (khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP).
[3]https://giaoduc.net.vn/vpbank-co-dau-hieu-cuop-tai-san-xam-pham-cho-o-va-giam-giu-trai-phep-post156710.gd
https://vnexpress.net/nhan-vien-ngan-hang-dung-vu-luc-doi-lai-oto-the-chap-4545943.html
1 Nhận xét
Thu giữ tài sản bảo đảm rất rủi ro. Nếu làm không khéo sẽ bị khởi tố hình sự như chơi.
Trả lờiXóa