Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì? Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì?

Ứng tuyển thư ký Thừa phát lại, cần chuẩn gì?

Blog Thừa phát lại - Hiện nay, nhiều văn phòng Thừa phát lại đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự là thư ký nghiệp vụ, đặc biệt tại Hà Nội. Nguyên nhân là do từ đầu năm 2023, nhiều địa phương cho phép thành lập thêm các văn phòng Thừa phát lại.

Nếu bạn đang có nhu cầu tìm việc làm tại các Văn phòng Thừa phát lại, bạn có thể tham khảo các thông tin tuyển dụng tại LINK này.

Đức Hoài có một số lời khuyên, chỉ dẫn nếu bạn có dự định ứng tuyển vị trí này như sau:

1. Phải có hiểu biết nhất định về nghề Thừa phát lại

Lịch sử nghề Thừa phát lại tại Việt Nam

Đức Hoài tạm chia lịch sử Thừa phát lại tại Việt Nam thành các giai đoạn như sau:

Giai đoạn trước 1975

Người Pháp khi qua Việt Nam thì đã mang theo một phần hệ thống, tư tưởng pháp luật của họ áp dụng tại Việt Nam, trong đó có chế định Thừa phát lại. Do đó, nghề này đã có tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 20. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công thì nhà nước ta cũng tạm thời áp dụng chế định Thừa phát lại như cũ để chờ kiện toàn hệ thống pháp luật. Thừa phát lại phát triển cực thịnh tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 (giai đoạn này miền Bắc không còn tồn tại chế định Thừa phát lại nhé). Bạn có thể tham khảo một vi bằng được Thừa phát lại giai đoạn này lập tại LINK này.

Giai đoạn sau 1975 đến cuối thế kỷ 20: Không áp dụng

Sau năm 1975 thì nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta không chủ trương áp dụng tiếp chế định Thừa phát lại. Tuy nhiên, đến những năm đầu của thế kỷ 21 thì khác. Khi mà chúng ta hội nhập sâu rộng với thế giới thì những tư tưởng, những cách làm hay của nước ngoài mà chúng ta thấy phù hợp thì lại thí điểm áp dụng trở lại.

Giai đoạn cuối thế kỷ 20 đến năm 2008: Vận động áp dụng

Theo hiểu biết của Đức Hoài, nguyên thứ trưởng Nguyễn Đức Chính (Hoài xin phép gọi là “Bác Chính”) là người rất tích cực trong việc này.

Bác Chính lúc còn công tác tại Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đã có đề tài cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn về chế định thừa phát lại” bảo vệ thành công vào năm 1998. Sau đó, bác Chính tiếp tục soạn cuốn sách “Tổ chức thừa phát lại” và được xuất bản năm 2006. Kết quả quá trình đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 24/2008/QH12, trong đó có nội dung giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương, thời gian thí điểm đến ngày 01/7/2012.

Giai đoạn 2009 -2013: Thí điểm giai đoạn 1 tại TP.HCM

Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thí điểm Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các văn phòng thừa phát lại thực hiện 4 chức năng gồm: Tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Tháng 5/2010, 05 văn phòng thừa phát lại đầu tiên của cả nước lần lượt khai trương và chính thức đi vào hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

thừa phát lại bình thạnh
Thừa phát lại Bình Thạnh - một trong 5 văn phòng thừa phát lại đầu tiên của cả nước

Đến năm 2012, số lượng văn phòng thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh (đồng thời cũng là trên cả nước) đã tăng lên 8 văn phòng.

Giai đoạn năm 2013-2015: Thí điểm giai đoạn 2 tại 13 địa phương

Do thời gian thí điểm còn ngắn, chỉ có 8 văn phòng hoạt động thí điểm và tại một địa phương duy nhất được chọn thí điểm là Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đến kết quả thí điểm của giai đoạn 2010-2012 chưa đủ cơ sở để Quốc hội đưa ra quyết định là áp dụng hay không áp dụng chính thức mô hình thừa phát lại tại Việt Nam. Do đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 quyết định kéo dài thời gian thí điểm và cho phép mở rộng phạm vi thí điểm đến một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Thực hiện theo Nghị quyết này, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày và ngày 24/6/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BTP mở rộng phạm vi thí điểm chế định thừa phát lại đến 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác ngoài Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long.

thừa phát lại biên hòa
Văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa thành lập năm 2014

Giai đoạn năm 2015-2020: Áp dụng chính thức trên cả nước

Đến năm 2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 cho thực hiện chế định thừa phát lại chính thức trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01/01/2016. Tuy nhiên, từ năm 2016-2020 thì các văn phòng được thành lập thêm rất ít. Một số địa phương không mặn mà thành lập văn phòng. Theo cảm nhận của Hoài thì do văn phòng mở ra là lỗ, không có việc làm nên ít người muốn tham gia vào nghề này. Lý do lỗ là do người dân chưa biết nhiều đến chức năng của Thừa phát lại mà tìm đến; hoạt động tống đạt bị đình trệ do thiếu kinh phí để trả cho thừa phát lại (đặc biệt là tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án); việc lập vi bằng bị giới hạn ranh giới ở tỉnh/thành phố trực thuộc TƯ nơi đặt văn phòng.

Giai đoạn năm 2020-nay: Đang phát triển mạnh

Cú hích của giai đoạn này là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP. Theo đó, thừa phát lại được lập vi bằng trên toàn quốc; tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại hạ xuống còn 03 năm công tác pháp luật. Do đó, dù Nghị định này có những quy định làm hạn chế chức năng thi hành án của Thừa phát lại nhưng không sao; địa điểm lập vi bằng (nguồn thu nhập chính của Thừa phát lại) được mở rộng. Ngày càng nhiều người chuyển sang làm nghề Thừa phát lại vì dù có mở tận Cà Mau thì cũng thể lên TP. Hồ Chí Minh lập vi bằng.

thừa phát lại vũng tàu
Một thông báo nhận hồ sơ thành lập văn phòng thừa phát lại

Các văn bản pháp luật đang điều chỉnh Thừa phát lại

Bạn tham khảo các văn bản sau đây vẫn còn hiệu lực áp dụng nhé: Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020; Thông tư 05/2020/TT-BTP ngày 28/08/2020; Thông tư số 08/2022/TT-BTP ngày 01/11/2022.

Ngoài ra, nếu muốn tham khảo thêm nhiều văn bản cũ trước đây, bạn thể nhấp vào LINK này

Thừa phát lại làm công việc gì?

Có 4 công việc là: Tống đạt theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, văn bản tương trợ tư pháp; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án dân sự và trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự.

Tống đạt văn bản là việc nhận văn bản từ Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát, cơ quan có văn bản tương trợ tư pháp để đi giao cho đương sự. Bạn sẽ hiểu tường tận công việc tống đạt nếu đọc bài viết tại LINK này.

Lập vi bằng tức là quan sát, làm chứng và ghi lại thành một “Biên bản” Vi bằng. Bạn sẽ hiểu tường tận công việc lập vi bằng nếu đọc bài viết tại LINK này.

Xác minh điều kiện thi hành án dân sự tức là Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự (sau khi đã có 1 bản án có hiệu lực pháp luật, đã có cơ quan thụ lý thi hành án) sẽ phát công văn/đi trực tiếp đến các cơ quan đang nắm giữ thông tin tài sản, điều kiện thi hành án để xác minh xem đương sự (người phải thi hành án) có tài sản, có điều kiện thi hành án không mà họ lại “nhây” vậy. Bạn sẽ hiểu tường tận công việc lập xác minh điều kiện thi hành án nếu đọc bài viết tại LINK này.

Thi hành án dân sự tức là Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự thi hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật. Nói nôm na đây là đơn vị thi hành án tư (còn đơn vị thi hành án công là các Chi cục/Cục thi hành án dân sự). Đáng tiếc, chức năng này đã bị hạn chế rất nhiều. Bạn sẽ hiểu tường tận công việc thi hành án nếu đọc bài viết tại LINK này.

Đâu là công việc chính của Thừa phát lại?

Đó là tống đạt và lập vi bằng. Có nơi chỉ làm tống đạt nhưng đa số đều có thu nhập chính từ lập vi bằng.

vi bằng hiện trạng
Thừa phát lại đang lập vi bằng ghi nhận hiện trạng (Nguồn: internet)

Đâu là đức tính mà một người làm nghề Thừa phát lại cần

Ngay trong Nghị định 08/2020/NĐ-CP đã có nhắc tới 2 đức tính rồi. Đó là trung thực, khách quan. Ngoài ra, Đức Hoài cho rằng, nếu bạn muốn hành nghề Thừa phát lại bền vững thì cần thêm tính Hiệu quả và tính Nhân văn. Có nhiều vi bằng của Thừa phát lại lập nhưng không giúp ích được gì, thậm chí ra Tòa mà khách hàng vẫn bị bác vì những thông tin lập vi bằng chưa “trúng”, chưa có giá trị chứng cứ cao.

Ngoài ra, việc tiếp xúc với khách hàng nhiều cũng cho ta gặp nhiều hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh. Bạn sẽ cần có đức tính nhân văn để ứng xử. Ví dụ, chị công nhân bị công ty cho thôi việc trái pháp luật đến nhờ bạn lập vi bằng ghi nhận việc công ty không cho vào làm để khởi kiện trong một vụ án lao động thì bạn sẽ nhân văn mà thu phí vi bằng thấp hơn bình thường để hỗ trợ chị.

2. Phải có hiểu biết nhất định về vị trí công việc ứng tuyển

thua phat lai
Một thư ký đang hỗ trợ thừa phát lại lập vi bằng hiện trạng

Nếu mô tả công việc là vị trí chủ yếu hỗ trợ Thừa phát lại lập vi bằng, bạn cần đọc bài viết về chức năng lập vi bằng tại LINK này. Bạn sẽ hỗ trợ Thừa phát lại tiếp xúc ban đầu với khách hàng để bổ sung thông tin vào phiếu tiếp nhận khách hàng; bạn sẽ là người soạn thảo văn bản, vi bằng để khách hàng ký; bạn sẽ là người giúp Thừa phát lại quay phim, chụp hình, ghi âm khi lập vi bằng; bạn cũng sẽ đi ra ngoài nhiều vì không phải sự việc, hành vi lập vi bằng lúc nào cũng diễn ra tại văn phòng Thừa phát lại; bạn cũng có thể phải đi lập vi bằng ngoài giờ hành chính rất nhiều vì lúc đó sự việc cần làm chứng mới diễn ra; bạn sẽ là người liên hệ khách hàng để bàn giao vi bằng. Bạn đã hình dung ra công việc của mình chưa nào?

Bạn sẽ cần có xe máy (để di chuyển), có laptop và có kiến thức nhất định về word (để soạn thảo vi bằng), mạng internet (để lập vi bằng trên internet).

Nếu mô tả công việc thì đó là vị trí chủ yếu hỗ trợ Thừa phát lại tống đạt, bạn cần đọc bài viết về chức năng tống đạt tại LINK này. Bạn sẽ được phân công địa bàn tống đạt nhất định (thông thường là vài ba quận/huyện). Bạn sẽ nhận văn bản từ Tòa án, cơ quan thi hành án về văn phòng. Sau đó, bộ phận quản lý tống đạt sẽ phân loại văn bản và giao lại cho bạn đi tống đạt. Bạn sẽ phải phân loại văn bản theo theo mức độ gấp hoặc không gấp, theo địa bàn, theo thời gian để có lộ trình tống đạt hợp lý.

Bạn sẽ đến gõ cửa từng đương sự để giao văn bản; họ vắng mặt, chuyển đi thì phải niêm yết ở nhà họ, ở Ủy ban phường/xã. Bạn sẽ phải làm quen với tổ trường, khu phố trưởng, công chức tư pháp để họ hỗ trợ chỉ đường, niêm yết, ký tên, đóng dấu chứng kiến. Bạn sẽ phải đi ngoài đường nhiều như một shipper. Tống đạt xong thì phải về văn phòng Thừa phát lại đóng dấu rồi chuyển trả lại cho Tòa án và cơ quan thi hành án. Nhớ đừng điền ngày giờ trên các biên bản tống đạt khách nhau mà bị trùng nhau nhé vì như vậy là không hợp lý (một người không thể phân thân nhiều nơi).

thua phat lai thu duc
Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức

Thu nhập từ tống đạt có thể cao hoặc thấp theo số lượng bạn đi tống đạt thành và phụ thuộc vào cơ chế chia tiền của văn phòng Thừa phát lại. Nhưng mà nhìn chung là sẽ thấp nhé. Từ năm 2013 đến nay thì về cơ bản, Chính phủ không thay đổi mức phí tống đạt.

Sau một thời gian, bạn sẽ đen nhẻm đi. Thật đấy. Hãy kiên trì khoảng 1 năm và xin về văn phòng lập vi bằng nhé. Đừng đi tống đạt mãi; nó “lụt” nghề luật. Bạn đã hình dung ra công việc của mình chưa nào?

3. Phải có hiểu biết nhất định về Văn phòng Thừa phát lại nơi ứng tuyển

Bạn lên mạng search nhé. Nếu bị hỏi có biết văn phòng này thành lập khi nào không mà ú ớ là “mất điểm” rồi. Bạn chỉ cần biết được là văn phòng này lập khi nào, địa chỉ bữa giờ ở đây hay trước ở chỗ khác rồi chuyển về. Trưởng văn phòng là ai; trước đó họ làm ở đâu. Văn phòng này có tham gia case nào nổi tiếng không...

Ví dụ, nếu tới phỏng vấn ở Văn phòng Thừa phát lại Miền Nam thì phải biết văn phòng này được thành lập tháng 8 năm 2021. Địa chỉ trước đây là ở 82A đường Nguyễn Công Trứ giờ mới chuyển qua 140 Nguyễn Tri Phương. Các Thừa phát lại của văn phòng đều trẻ trung và rất đẹp trai. Thừa phát lại Đức Hoài có trang Blog Thừa phát lại rất bổ ích...

thừa phát lại miền nam
Văn phòng Thừa phát lại Miền Nam (Tác giả không có trong hình này)

4. Phải chấp nhận thực tế là lương thưởng thấp

Vì các văn phòng Thừa phát lại đang có nguồn thu chưa ổn định. Do đó, mặt bằng chung, thư ký Thừa phát lại sẽ có thu nhập thấp hơn thư ký công chứng nhưng sẽ cao hơn thư ký của Công ty Luật/Văn phòng Luật sư mới vào nghề nhé (ngoại trừ một số đơn vị luật lớn, trả lương cao).

Thu nhập của bạn chỉ đủ sống thôi. Nếu ở TP. Hồ Chí Minh thì lương cứng khoảng 06-09 triệu. Còn qua Thừa phát lại Miền Nam thì sao. Khi nào có nhu cầu tuyển thì Đức Hoài mới công bố nhé.

5. Nghề Thừa phát lại khổ nhưng vinh quang?

Nói như vậy thì có vẻ như hơi thiên vị. Bạn sẽ nghĩ rằng, nghề nào chẳng khổ. Ngay cả khi bạn nghĩ như vậy thì tôi vẫn đúng, phải không nào? Thừa phát lại sẽ phải đi tới bất kỳ đâu, bất kể thời gian nào vì đặc thù công việc làm chứng.

Còn nếu bạn phụ trách mảng tống đạt văn bản thì càng cực hơn vì biểu hiện bên ngoài của hành vi là tương tự như một người đưa thư. Và còn hơn thế, người đưa thư chỉ cần đến đúng nhà, không gặp thì có thể để lại thư qua khe cửa. Thừa phát lại có được làm như vậy không? Làm vậy sao mà Thẩm phán, Chấp hành viên yên tâm sử dụng kết quả tống đạt. Phải liên hệ đương sự nhiều lần để giao trực tiếp hoặc phải giao qua người thân, tổ dân phố hoặc niêm yết văn bản.

Nhưng tại sao tôi nói là vinh quang. Nghề Thừa phát lại đề cao sự trung thực, sự khách quan. Nếu mình tuân thủ đúng nguyên tắc này thì ngay cả bên đối lập của khách hàng chúng ta, họ cũng có cái nhìn thiện cảm, nể trọng Thừa phát lại. Vì chúng ta là những người đáng tin (trung thực) và công tâm (khách quan).

thua phat lai binh dinh
Thừa phát lại Bình Định đang tư vấn pháp luật cho khách hàng (Nguồn: Internet)

Trên đây là một số chỉ dẫn cho bạn nếu ứng tuyển vào vị trí “Thư ký nghiệp vụ” tại Văn phòng Thừa phát lại. Hi vọng, bạn đã tìm thấy thông tin hữu ích. 

Hãy share bài viết này đến bạn bè, những ai đang có nhu cầu tìm công việc thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại nhé.

Nếu cần tham khảo thêm các thông tin tuyển dụng khác về thừa phát lại, bạn hãy nhấp ngay vào LINK này nhé.

Xin chào tạm biệt!

Xin chào! Tôi là Đức Hoài - một Thừa phát lại. Do đây là một trang blog nên tôi cố gắng sử dụng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu trong các bài viết và không nhất thiết phải giống với thuật ngữ khoa học pháp lý, văn bản pháp luật. Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả hoặc tổng hợp từ các nguồn tin tức đã được dẫn chiếu trong bài viết. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, xin vui lòng liên hệ theo SĐT 0906 311 132 hoặc email blogthuaphatlai@gmail.com. Xin cảm ơn!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *