Blog Thừa phát lại - Tôi nghĩ rằng, không dại gì mà các Thừa phát lại “bịa” ra thuật ngữ “công chứng vi bằng” để tư vấn cho khách hàng vì điều đó vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của Thừa phát lại.
Trước đây, bạn chỉ biết rằng, mua bán nhà đất thì ra phòng công chứng. Nhưng gần đây, chắc hẳn bạn đã nghe đến hình thức giao dịch nhà đất mới mà các môi giới, chủ đất gọi là “công chứng vi bằng”. Thủ tục này vẫn có ký tên, điểm chỉ tương tự công chứng nhưng lạ hơn là còn có hình chụp kèm theo. Vậy, công chứng vi bằng là gì, ai có thẩm quyền công chứng vi bằng, công chứng vi bằng thì khác gì với công chứng, nhà đất công chứng vi bằng có thế chấp được không?... Trong bài viết này, tôi sẽ giúp bạn làm rõ những thắc mắc này.
Trước
hết, tôi muốn nói đến việc công chứng nhà đất trước giờ mà bạn đã từng biết. Pháp
luật quy định rằng, đối với một số giao dịch nhất định, bắt buộc phải được Công
chứng viên tại các đơn vị công chứng thực hiện công chứng mới có hiệu lực. Việc
bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một trong số đó. Do đó, bạn mới phải
đến đơn vị công chứng để công chứng nhà đất để hợp đồng đó có hiệu lực và thực
hiện việc sang tên từ chủ cũ sang chủ mới. Bạn sẽ có thêm đầy đủ thông tin công
chứng nếu xem nội dung tại văn bản
này.
Công chứng vi bằng là gì?
Là
một người hành nghề luật, tôi đã thử tra cứu nhưng không tìm thấy thuật ngữ
“công chứng vi bằng” trong các văn bản pháp luật, mà chỉ có thuật ngữ “công chứng”
và “vi bằng” đứng tách rời nhau, không dính liền với nhau. Do đó, đây không phải
là một thuật ngữ pháp lý, được luật định. Có khả năng, người “sáng tạo” hay sử
dụng thuật ngữ này không có nghiên cứu trước khi sử dụng hoặc họ biết sử dụng
là sai nhưng vẫn cố tình sử dụng vào mục đích khác. Mục đích đó là gì thì tôi sẽ
trả lời bạn ở phần sau của bài viết này.
Sự khác nhau giữa công chứng và vi bằng?
Luật
Công chứng năm 2014 nói rằng “Công chứng là việc công chứng viên của một
tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng,
giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo
đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc
từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng
hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.”
Về
vi bằng, thuật ngữ này nằm trong Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Thông tư
05/2020/TT-BTP. Các quy định này nói rằng “Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện,
hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập
theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”
Nếu
là một người không được đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, chắc hẳn bạn sẽ cảm
thấy vẫn còn mơ hồ về các quy định này. Không sao, tôi sẽ giúp bạn diễn giải
các quy định này như sau.
Về
chủ thể: Công chứng
phải do công chứng viên thực hiện; còn vi bằng do Thừa phát lại thực hiện. Hai
chức danh này đều chỉ về những người được đào tạo pháp luật, trải qua lớp nghiệp
vụ và được Bộ Tư pháp bổ nhiệm nhưng họ làm hai mảng công việc khác nhau nên có
tên gọi khác nhau.
Về
hình thức: Văn bản
công chứng (hợp đồng, giao dịch) và vi bằng đều có hình thức là văn bản, có chữ
ký, con dấu; nhưng giữa chúng cũng có sự khác biệt nhất định. Bạn đã quen với hợp
đồng công chứng là một văn bản mà có hai bên ký tên, điểm chỉ trên đó; sau đó sẽ
có một tờ rời là lời chứng của công chứng viên kèm theo. Công chứng viên sẽ ký
tên trên cả hợp đồng của bạn lẫn tờ rời này và đóng dấu giáp lai toàn bộ. Hãy
xem hình ảnh một hợp đồng công chứng điển hình dưới đây nhé.
Còn đối với vi bằng, nó không phải là một hợp đồng, nó ghi lại lời chứng đơn phương của Thừa phát lại. Nghe gì, thấy gì thì Thừa phát lại ghi lại hết vào đó và các bên có mặt cùng Thừa phát lại ký tên vào văn bản này. Ngoài ra, kèm theo vi bằng có thể có các văn bản khác như hình ảnh, đĩa vi tính hoặc một văn bản do khách hàng lập mà thừa phát lại có chứng kiến (nhưng Thừa phát lại không ký tên vào văn bản này). Bạn sẽ hình dung rõ hơn về hình hài của vi bằng nếu xem bài viết này.
Hình ảnh
Về
giá trị pháp lý: Khoản
3 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 nói rằng “Hợp đồng, giao dịch được công chứng
có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch
được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là
vô hiệu.”. Còn vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải
quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực
hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật
(khoản 3 Điều 36 Nghị định 08/2020/NĐ-CP). Tôi sẽ giúp bạn cắt nghĩa các quy định
này.
Văn
bản công chứng có giá trị chứng cứ nghĩa là không cần phải chứng minh. Bạn cầm
hợp đồng mua bán nhà đã được công chứng đến văn phòng đăng ký đất đai để sang tên
từ chủ nhà cũ sang tên của bạn thì họ mặc nhiên phải thực hiện mà không “quay lại”
hỏi ngược bạn là hợp đồng này có thiệt không, hoặc bắt ông Công chứng viên phải
chứng minh rằng hợp đồng này do chủ cũ ký tên cho bạn (việc đó chỉ xảy ra khi có
một vụ tranh chấp về giá trị của văn bản công chứng và Tòa án sẽ trưng cầu giám
định).
Trước đây, vi bằng cũng được xem là có giá trị chứng cứ. Nếu bạn chưa thực sự tin, hãy xem văn bản này. Nhưng bây giờ, vi
bằng chỉ có giá trị nguồn chứng cứ. Điều này có nghĩa là nó có giá trị thấp hơn văn bản công chứng?
Theo tôi không phải vậy. Bởi vì vi bằng chứa đựng nhiều thông tin (do đặc thù của
việc lập vi bằng là theo dòng thời gian của sự kiện, hành vi mà thừa phát lại
chứng kiến) nên không phải mọi thông tin đều là chứng cứ; Chỉ những thông tin có
liên quan đến vụ án thì mới có giá trị chứng cứ. Để bạn dễ hiểu hơn, tôi có thể
so sánh thế này, vi bằng là một cái giỏ đựng nhiều trái bóng khác nhau như bóng
đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, bóng chày, bóng bàn, bóng tennis... Từ cái giỏ
đó mà tương ứng mỗi môn thi đấu khác nhau, quả bóng phù hợp sẽ được lựa chọn. Giỏ
bóng là vi bằng, là nguồn chứng cứ; trái bóng phù hợp là chứng cứ được lấy ra từ
nguồn chứng cứ (giỏ bóng).
Đọc
đến đây chắc bạn đã hiểu rằng, “công chứng vi bằng” không phải là một thuật ngữ
pháp lý, và không ai được giao cho quyền làm công việc này. Vậy, lý do tại sao lại
một số người lại sử dụng thuật ngữ này. Bạn sẽ có câu trả lời ngay dưới đây.
Vì sao nhiều người sử dụng thuật ngữ “công chứng vi bằng”?
Khoảng
năm 2012, tác giả vẫn còn là một thư ký nghiệp vụ, thuật ngữ “công chứng vi bằng”
bắt đầu được sử dụng phổ biến. Tác giả cũng từng có một bài viết về tình trạng này tại thời điểm đó. Khi đó, việc các văn phòng Thừa phát lại lập
vi bằng chứng kiến hành vi giao nhận tiền hoặc buổi làm việc liên quan đến việc
giao dịch nhà đất chưa đủ điều kiện công chứng rất nhiều. Có thể nói, số lượng
vi bằng ở mảng này chiếm hơn 80% hồ sơ vi bằng.
Tôi
nghĩ rằng, không dại gì mà các Thừa phát lại “bịa” ra thuật ngữ “công chứng vi
bằng” để tư vấn cho khách hàng vì điều đó vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của Thừa
phát lại; các Thừa phát lại nếu bị phát hiện tư vấn như vậy có thể bị tước thẻ
hành nghề. Do đó, tôi cho rằng, chỉ có người ngoài ngành mới sử dụng. Họ sử dụng
vì lý do gì. Có hai khả năng xảy ra: Họ không biết rằng thuật ngữ đó không chính
xác; hoặc khả năng thứ hai là họ cố tình lập lờ, gán ghép thuật ngữ công chứng
và vi bằng vào làm một nhằm đánh lừa người khác. Nếu vậy, họ chính là các chủ đất,
người môi giới nhà đất đang muốn bán các nhà đất chưa đủ điều kiện pháp lý để công
chứng.
Tôi
nghiêng về khả năng thứ hai nhiều hơn. Vì sao, bởi vì sau hơn 10 năm các báo đài,
cơ quan nhà nước đã viết rất nhiều bài, thực hiện nhiều chương trình để cắt nghĩa
về thuật ngữ này, rằng nó không đúng nhưng trên các zalo, facebook và các trang
rao tin bất động sản, chúng ta vẫn thấy thuật ngữ này được sử dụng rất phổ biến.
Nhà đất được “công chứng vi bằng” có thế chấp được không?
Ở
đây, tôi đang muốn đề cập đến việc thế chấp đúng luật. Trước khi trả lời câu hỏi
này cho bạn, tôi muốn làm rõ việc nhà đất được “công chứng vi bằng” là gì? Như
tôi đã đề cập ở trên, khoảng thời gian đầu lúc các văn phòng Thừa phát lại mới
hoạt động, việc lập vi bằng ghi nhận hành vi mua bán nhà đất giấy tay (thông
qua việc chứng kiến hành vi giao nhận tiền, sự kiện buổi làm việc mua bán nhà đất
hoặc thậm chí là hành vi ký tên vào hợp đồng giấy tay) diễn ra rất phổ biến. Lúc
đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng, chưa biết rằng việc chứng kiến
của Thừa phát lại như vậy có trái luật hay không vì các văn bản pháp luật về thừa
phát lại đang sơ khai, còn hạn chế. Các vi bằng thậm chí đính kèm các hợp đồng
mua bán giấy tay vào và đóng dấu giáp lai trên đó, có hình ảnh đính kèm; nhìn “oách”
hơn các văn bản công chứng chỉ có chữ.
Tuy
nhiên, gần đây, Nghị định 08/2020/NĐ-CP ra đời đã cấm việc Thừa phát lại lập vi
bằng ghi nhận giao dịch mua bán nhà đất bằng giấy tay (Điều 37).
Có
thể khái quát thế này, từ khi Thừa phát lại được thành lập (2010) đến nay, pháp
luật chúng ta nhất quán là giao dịch nhà đất phải được chứng nhận của tổ chức hành
nghề công chứng (trừ một số trường hợp ngoại lệ). Việc người dân giao dịch nhà đất
giấy tay sẽ không được nhà nước công nhận quyền sở hữu, sử dụng. Do đó, chủ sở
hữu, sử dụng các nhà đất giấy tay đó sẽ không được thực hiện các quyền của người
sở hữu nhà, người sử dụng đất (mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp...). Lưu
ý là quyền mà tôi đề cập ở đây là quyền đúng luật. Còn việc họ tự làm trên thực
tế thì nhà nước và pháp luật không công nhận.
Đến
đây, bạn chắc đã có câu trả lời cho trường hợp nhà đất được “công chứng vi bằng”
có thế chấp được không rồi phải không. Tôi giúp bạn lặp lại câu trả lời đó là
không được.
Trên đây là bài viết về việc "Nhà đất được công chứng vi bằng có thế chấp được không". Nếu bạn còn có vướng mắc về vấn đề này, hãy gọi ngay cho Đức Hoài theo số điện thoại 0906 311 132. Đức Hoài sẽ luôn sẵn sàng trao đổi thêm với bạn.
1 Nhận xét
Bài viết chi tiết và rất hữu ích. Cảm ơn tác giả!
Trả lờiXóa