Blog Thừa phát lại - Tống đạt là gì, Thừa phát lại được tống đạt những văn bản nào, thủ tục tống đạt ra sao, Thừa phát lại có tống đạt văn bản của tư nhân không? Trong bài viết này, Blog Thừa phát lại sẽ cung cấp thông tin về việc tống đạt văn bản của Thừa phát lại.
Tống đạt là gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì:
Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Nói nôm na, tống đạt là việc Thừa phát lại nhận văn bản từ cơ quan có văn bản cần tống đạt (Tòa án, Cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát) để đi giao cho đương sự. Việc giao nhận này khá tương tự với việc đưa thư nhưng vẫn có những điểm khác nhau. Nhân viên bưu chính đi giao thư (dạng văn bản) thì không biết trong thư là văn bản gì (bảo mật) và khi đến địa chỉ giao mà không gặp đích danh người cần giao thì có thể gửi lại cho người nào bất kỳ đang ở địa chỉ đó (tiếp tân, bảo vệ, người nhà, thậm chí là một người bạn của chủ nhà vô tình ở địa chỉ đó...) và cho họ ký nhận vào biên nhận mà không cần biết, kiểm tra họ tên, quan hệ của họ với người cần giao; hoặc không gặp ai thì có thể để lại trong hòm thư, “quăng” vào trong cửa nhà (trừ khi thư được yêu cầu phát đích danh người nào đó).
Còn Thừa phát lại thì như thế nào? Thừa phát lại biết mình mang văn bản nào đi giao (không để vào bìa thư) và khi gặp người cần giao (cần tống đạt) thì cũng nói rõ là mình đến giao văn bản gì và lập biên bản tống đạt (biên bản giao nhận). Nếu không gặp người cần giao thì phải thực hiện việc giao cho người thân, tổ dân phố, hoặc niêm yết theo quy định. Nội dung này sẽ được Blog Thừa phát lại chia sẻ chi tiết ở phần dưới bài viết này.
Nói chung Thừa phát lại đi tống đạt sẽ phải thực hiện theo thủ tục mà pháp luật quy định rõ ràng; kết quả tống đạt sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ trong quan hệ tố tụng, thi hành án của những người được tống đạt. Ví dụ, dù bị đơn trốn tránh, vắng mặt không nhận giấy triệu tập nhưng thừa phát lại đã niêm yết công khai hợp lệ thì Tòa án vẫn có cơ sở để tiến hành phiên tòa vắng mặt bị đơn.
Thừa phát lại được tống đạt những văn bản nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 32 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì:
1. Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây:
a) Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;
b) Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo; tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Như vậy, nhìn chung, Thừa phát lại có thể tống đạt hầu hết các văn bản mà Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự.
Văn phòng Thừa phát lại cũng tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Bộ Tư pháp sẽ chọn văn phòng Thừa phát lại để tống đạt các văn bản này.
Thư ký một văn phòng Thừa phát lại đang tống đạt văn bản |
Thủ tục tống đạt ra sao?
Căn cứ khoản 2 Điều 33 Nghị định 06/2020/NĐ-CP thì:
2. Thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng; thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Về cơ bản, việc tống đạt của Thừa phát lại cơ bản trải qua 2 thủ tục sau đây:
Tống đạt trực tiếp: Tức là giao trực tiếp cho người cần tống đạt. Nếu họ vắng mặt thì giao cho người thân thích, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc là người nhận thay.
Niêm yết công khai: Thủ tục này được thực hiện khi việc tống đạt trực tiếp không thành. Thừa phát lại sẽ tiến hành niêm yết văn bản ở ba nơi gồm: (1) Trụ sở Tòa án/Viện kiểm sát/cơ quan thi hành án; (2) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt hoặc thông báo; (3)
Riêng đối với văn bản tố tụng hình sự, thủ tục niêm yết đơn giản hơn khi chỉ thực hiện tại một trong hai địa điểm là trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cuối cùng người được cấp, giao văn bản tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi cuối cùng người đó làm việc, học tập.
Thừa phát lại có tống đạt văn bản của tư nhân không?
Căn cứ khoản 1 Điều 32 Nghị định 08/2020/NĐ-CP nêu trên thì Thừa phát lại chỉ tống đạt văn bản cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự; Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Do đó, Thừa phát lại không tống đạt văn bản cho tư nhân, tổ chức bên ngoài. Tuy nhiên, nếu cá nhân, tổ chức có văn bản cần “tống đạt” mà cần chứng cứ của việc này thì có thể trực tiếp đi giao và yêu cầu Thừa phát lại đi cùng chứng kiến, lập vi bằng để làm chứng.
Phí tống đạt của Thừa phát lại bao nhiêu?
Căn cứ khoản 1, 2 Điều 62 Nghị định 08/2020/NĐ-CP thì:
1. Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự do Tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại trong hợp đồng quy định tại khoản 3 Điều 33 của Nghị định này trên cơ sở khung mức chi phí quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Khung mức chi phí tống đạt được quy định như sau:
a) Tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt, bao gồm: Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Chi phí tống đạt quy định tại khoản này bao gồm cả việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật thi hành án dân sự phải niêm yết công khai.
Việc tống đạt do ai thực hiện?
Trừ trường hợp các bên trong hợp đồng dịch vụ có thỏa thuận việc tống đạt phải do chính Thừa phát lại thực hiện, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện việc tống đạt. Trên thực tế, việc tống đạt chủ yếu do các thư ký nghiệp vụ thực hiện; còn Thừa phát lại sẽ phụ trách việc lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án.
Trên đây là tư vấn của Blog thừa phát lại về "Thừa phát lại có tống đạt văn bản cho tư nhân". Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, độc giả vui lòng liên hệ theo thông tin sau đây, Blog thừa phát lại sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ giải pháp với bạn:
Địa chỉ: 02 Tagore, Phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0906 311 132 - 0357 133 132
Email: blogthuaphatlai@gmail.com
Blog: blogthuaphatlai.vn
Youtube: @blogthuaphatlai
0 Nhận xét