Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề

Tâm sự của một Thừa phát lại về nghề

Blog Thừa phát lại - Chưa có nghề luật nào mà được Nhà nước ưu ái giao cho bốn chức năng như thừa phát lại. Tuy đến thời điểm hiện tại, ba trong bốn chức năng đó thừa phát lại rất ít làm nhưng với xu thế xã hội hóa các hoạt động tư pháp như hiện tại, Nhà nước sẽ dần bỏ “bao cấp” một số công việc mà tư nhân có thể làm tốt hơn thì chức năng xác minh, thi hành án, tống đạt sẽ dần phát triển. Lực lượng thi hành án dân sự nhà nước dần thu hẹp và phải cạnh tranh với thừa phát lại như những gì đang diễn ra trong nghề công chứng.

Vi bằng là mảng công việc đang mang lại thu nhập tốt nhất cho các văn phòng nhưng tôi nhìn nhận, dư địa của mảng này còn rất lớn bởi nhu cầu làm chứng thì rất rộng, không bị bó hẹp trong một khuôn khổ nào. Hãy so sánh xíu, công chứng viên chỉ chứng được một số giao dịch mà luật bắt buộc phải thông qua công chứng hoặc người dân tự nguyện yêu cầu. Nhưng nói chung, nó cũng chỉ dừng lại ở việc chứng nhận một số văn bản, giao dịch. Còn thừa phát lại thì làm chứng bất kỳ việc gì (tất nhiên không vi phạm điều cấm), bất kể địa điểm và thời gian. 

Người dân hiện tại khi nói đến việc làm chứng thường có suy nghĩ là việc chứng kiến quan sát hành động giữa người với người; suy nghĩ vậy nên dù nhiều tình huống họ có nhu cầu nhưng không biết rằng việc này thừa phát lại có thể làm chứng mà nhờ. Ví dụ, nhà hàng xóm sắp ép cọc xây nhà, nhà mình còn mới vậy có bị ảnh hưởng gì không? Giả sử có ảnh hưởng thật thì lấy gì mà trưng ra nói chuyện với hàng xóm là nhà mình còn “nguyên” trước khi họ xây dựng. Rất đơn giản, họ có thể nhờ thừa phát lại làm chứng việc này trước khi nhà hàng xóm khởi công. Vậy nhưng, không nhiều người dân biết việc này.

tâm sự nghề thừa phát lại
Một Thừa phát lại đang lập vi bằng (Nguồn: Website TPL Đức Hòa Long An)

Tuy chức năng lập vi bằng đang có thu nhập tốt và còn nhiều dư địa nhưng theo đánh giá cá nhân, tôi cho rằng trong tương lai đây là mảng không độc quyền, bị cạnh tranh nhiều bởi các nghề khác như luật sư, công chứng, các công ty tư vấn dịch vụ… Bởi bản thân nhân sự của những đơn vị này vẫn có khả năng làm chứng như một người bình thường; nếu họ làm tốt khâu quay phim, chụp hình, kiểm tra-lưu trữ hồ sơ nhân thân các bên giao dịch thì những tài liệu do họ lập vẫn có giá trị chứng minh. Trên thực tế, việc cạnh tranh này đã diễn ra, bằng chứng là một số công ty đã copy form mẫu vi bằng, cách làm của Thừa phát lại để lập nên các "văn bản làm chứng".

Chức năng thi hành án, tống đạt văn bản và một chức năng mà tôi sẽ trao đổi ngay dưới đây mới là chức năng sống còn của thừa phát lại. Đây là các chức năng nguyên thủy của thừa phát lại và ở các nước khác, nó vẫn hoạt động tốt. Đây là các công việc mang tính quyền lực nhà nước nên sẽ khó mở rộng ra cho nhiều chức danh làm hay nói đúng hơn chỉ thừa phát lại và lực lượng thi hành án nhà nước làm (mà lực lượng nhà nước thì sẽ ngày càng thu hẹp do nhà nước bỏ dần bao cấp). 

Tôi dự đoán, thừa phát lại có thể được giao hỗ trợ một số phần việc trong thi hành án hình sự (áp giải tù nhân có án không nghiêm trọng, giám sát thi hành án tù treo, quản thúc hoặc cải tạo không giam giữ….). Hoạt động tống đạt không chỉ dừng lại ở văn bản tố tụng mà còn mở rộng thêm văn bản ngoại tố tụng (tống đạt văn bản cho tư nhân).

Một số chức năng khác mà tôi dự đoán trong tương lai, thừa phát lại có thể được đảm nhận như bảo vệ phiên tòa, áp giải nhân chứng, quản lý tội phạm được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ…

Ngoài ra, nghĩ rộng hơn, thừa phát lại còn làm được nhiều việc khác so với các chức năng luật định, “lấn sân” các mảng khác trong một phạm vi phù hợp, bổ trợ cho các chức năng luật định, ví dụ:

Anh A có căn nhà muốn bán, anh B muốn mua và đã đặt cọc một khoản tiền có công chứng hợp đồng cọc. Sau đó, anh B trì hoãn mãi việc ký hợp đồng mua bán chính thức. Nếu anh A tìm đến thừa phát lại thì thừa phát lại sẽ xử lý như thế nào?

Trước tiên, thừa phát lại cần hỏi đầy đủ thông tin về giao dịch cọc từ khách hàng và nguyện vọng của khách hàng. Sau đó, thừa phát lại sẽ “tư vấn pháp luật” cho khách hàng giá trị của giao dịch đặt cọc; những rủi ro khi các bên chưa hủy cọc mà bán cho người khác; trường hợp anh B không hợp tác để hủy cọc thì hướng xử lý như thế nào để bảo vệ quyền lợi của anh A; anh A cần có những chứng cứ gì để bảo vệ quyền lợi của mình; sự cần thiết phải có một buổi làm việc chính thức với anh B để thúc đẩy giao dịch...

Nếu khách hàng đồng ý thì thừa phát lại có thể hỗ trợ khách hàng lập vi bằng thông báo mời họp. Địa điểm mời họp có thể là tại văn phòng thừa phát lại, các bên có thể được thừa phát lại làm “trung gian hòa giải” để thống nhất một lịch công chứng mới hoặc có thể là việc hủy cọc trong ôn hòa. Kết thúc buổi làm việc là một biên bản làm việc được ký kết có thừa phát lại làm chứng.

Một ví dụ bấy nhiêu thôi cũng thấy thừa phát lại đã làm thêm phần việc của luật sư, hòa giải viên, công chứng viên.

Ở các nước mà thừa phát lại đã khẳng định được vị trí của mình thì đây là một nghề được xã hội coi trọng, có thu nhập tốt. Nếu thừa phát lại Việt Nam ngày càng làm tốt công việc của mình thì Nhà nước sẽ sớm giao thêm nhiều quyền hạn hơn, uy tín trong xã hội càng cao, thu nhập sẽ gia tăng. Triển vọng về nghề sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, muốn thành công trong nghề, bạn phải thực sự đam mê nghề, trau dồi kiến thức. Hiện nay, vẫn có tình trạng thừa phát lại chỉ chăm chăm lập vi bằng theo những trường hợp phổ biến, lặp đi lặp lại (giao nhận tiền, giao thông báo, hiện trạng...) mà thiếu sự quan tâm khách hàng sẽ sử dụng nó như thế nào? Có hiệu quả hay không? Và ít đọc văn bản luật vì công việc làm chứng không đưa thừa phát lại vào khuôn khổ phải đọc nhiều như luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên... Nếu mình cũng như vậy thì “lụt” nghề và nghề mình nhàm chán lắm. Ngoại trừ khi đang lập vi bằng thì suy nghĩ và hành động như một thừa phát lại; thời gian còn lại hãy suy nghĩ như luật sư, thẩm phán, trọng tài viên... 

Phải suy nghĩ rằng tại sao khách hàng cần phải lập vi bằng trong trường hợp này, cách sử dụng như thế nào, khách hàng phải hành động ra sao để đạt được mục đích của mình. Thừa phát lại phải có cái nhìn tổng quát cả quan hệ tranh chấp của khách hàng và tư vấn cho khách hàng các giải pháp để đạt được mục đích; chứ không chỉ “đứng im” như một phần rời rạc trong quá trình này, ví dụ:

Khách hàng bị nói xấu trên facebook, tìm đến thừa phát lại để nhờ lập vi bằng. Hành động thông thường là chúng ta sẽ thao tác một cách cơ học trên máy tính, theo mẫu vi bằng internet có sẵn tại văn phòng và giao vi bằng cho khách hàng, thu phí. Thế là chấm dứt công việc. Nhưng thừa phát lại muốn thành công phải làm khác. Hãy hỏi han khách hàng về nội dung sự việc, tại sao có việc nói xấu, đã làm việc với bên kia để giải quyết mâu thuẫn chưa, đã có ai tư vấn pháp lý chưa, đã biết sắp tới cần làm những thủ tục gì, chi phí dự kiến, thời gian bỏ ra. Sau khi đã rõ thông tin, thừa phát lại lập vi bằng đồng thời tư vấn cho khách hàng rõ về quy định pháp luật, các giải pháp, thời gian dự kiến... Khi bàn giao vi bằng cho khách hàng xong thì hãy kèm theo một bản tổng hợp khuyến nghị về pháp lý để khách hàng tham khảo (thực ra nó là một thư tư vấn nhưng nói như vậy thì lấn sân việc của luật sư quá). Đây là một việc giúp khách hàng cảm nhận sự chu đáo của chúng ta với khách hàng.

Không phải tất cả khách hàng đều am hiểu, bỏ thời gian để làm những công việc mà chúng ta khuyến nghị. Hãy hỏi khách hàng có muốn mời bên kia thương lượng trước không? Khách hàng có thể đồng ý hoặc không. Nếu đồng ý thì địa chỉ thương lượng là ở đâu (địa chỉ bên nào cũng không ổn vì sẽ làm cho bên còn lại bối rối, khó chịu). Sao không gợi ý đến văn phòng thừa phát lại để thương lượng, có phòng riêng cho các bên ngồi đàng hoàng. Thương lượng thành hay không thì cũng có thừa phát lại chứng kiến. Nếu  bên kia xuất hiện thì có thể thừa phát lại giúp khách hàng lập một chứng cứ quan trọng là họ thừa nhận nội dung trên mạng internet là do họ làm ra.

Ta có thể hỏi thêm khách hàng rằng có cần sự tư vấn, hỗ trợ của Luật sư. Việc tư vấn có thể miễn phí; chỉ thu phí khi Luật sư giúp khách hàng các công việc khác như soạn thảo văn bản, đại diện theo ủy quyền.... Và như thế chúng ta đã giúp khách hàng gặp một người mà có thể giúp khách hàng những công việc hậu vi bằng.

Thừa phát lại, các thư ký chưa có nhiều mối quan hệ, giỏi marketing để có nhiều khách hàng thì hãy tự trang bị cho mình kiến thức trước. Hãy đọc văn bản pháp luật, sách chuyên ngành nhiều; hãy nghiên cứu các bản án đã từng có sử dụng vi bằng để xem vì sao Hội đồng xét xử chấp nhận vi bằng, giúp khách hàng thắng kiện, tại sao có vi bằng mà khách hàng vẫn thua kiện; khi có cơ hội gặp luật sư và thẩm phán thì hãy hỏi họ rằng họ mong muốn vi bằng của thừa phát lại cần cải thiện việc gì để hiệu quả hơn trong việc tranh tụng, làm sáng tỏ nội dung vụ án.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và không đại diện cho quan điểm của bất kỳ tổ chức nào

Xin chào! Tôi là Đức Hoài - một Thừa phát lại. Do đây là một trang blog nên tôi cố gắng sử dụng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu trong các bài viết và không nhất thiết phải giống với thuật ngữ khoa học pháp lý, văn bản pháp luật. Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả hoặc tổng hợp từ các nguồn tin tức đã được dẫn chiếu trong bài viết. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, xin vui lòng liên hệ theo SĐT 0906 311 132 hoặc email blogthuaphatlai@gmail.com. Xin cảm ơn!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *