Blog Thừa phát lại - Trong một buổi học ở lớp đào tạo nghiệp vụ công chứng mà tác giả có tham gia học, thầy Trần Thanh Phương - Trưởng khoa đào tạo các chức danh thi hành án dân sự của Học viện tư pháp đã vẽ lên bảng minh họa một vài nghề luật tương tự bảng dưới đây.
Đại khái, ý của thầy là chưa có cái nghề Luật nào mà tham gia nhiều vào các công việc liên quan đến pháp lý như nghề thừa phát lại. Tại sao vậy, lúc các bên đang vui vẻ giao kết hợp đồng, rồi thực hiện hợp đồng, đến khi nghi kỵ lẫn nhau, sau đó tranh chấp tại Tòa án, đến thi hành án và hậu thi hành án, đâu đâu cũng thấy sự xuất hiện của ông thừa phát lại. Với việc được trao bốn chức năng, thừa phát lại ngày càng chứng tỏ họ là một lực lượng quan trọng, đóng góp nhiều cho sự phát triển của xã hội.
Một số bạn sinh viên khi mới vào trường đại học Luật đã có những hoài bão lớn rằng, sau này mình nhất định phải làm luật sư để bảo vệ thân chủ; cũng có thể mình là một công chứng viên để trung thực khách quan, chứng nhận giao dịch cho các bên; à không phải là một thẩm phán công minh khi xét xử; nhưng nếu làm một chấp hành viên để giúp các phán quyết của tòa án được thực thi kịp thời và đúng quy định pháp luật thì cũng tốt.
Thưa các bạn, nếu sau khi ra trường mà các bạn không thể theo đuổi được các công việc nêu trên, các bạn hãy trở thành một thừa phát lại là có thể thực hiện được một phần hoài bão khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại sao vậy?
Tại sao các bạn lại hoài bão nghề công chứng viên? Có phải bạn muốn đứng vai trò là một người làm chứng khách quan, chứng nhận các giao dịch cho người dân? Thừa phát lại không phải là một người chứng nhận giao dịch nhưng cũng là một người làm chứng. Thay vì bó buộc trong 1 số giao dịch, hợp đồng bằng văn bản theo quy định, bạn sẽ có cơ hội đi đây đi đó làm chứng “dạo” cho mọi người đấy.
Tại sao các bạn lại hoài bão nghề luật sư? Có phải các bạn muốn đưa ra những chứng cứ, lập luận hùng hồn để bảo vệ thân chủ của mình? Nếu đúng vậy thì khi làm thừa phát lại lập vi bằng là các bạn đang giúp các khách hàng của mình xác lập các chứng cứ không thể chối cãi đấy.
Tại sao các bạn lại hoài bão làm thẩm phán? Đây là người chuyên xét xử nhưng mà phải mất tối thiểu 05 năm bạn mới được ngồi xử đấy. Năm năm đầu tiên này là bạn làm thư ký xếp hồ sơ, đánh máy, tống đạt văn bản. Làm ở văn phòng thừa phát lại cũng có đi tống đạt, có đánh máy và soạn thảo hồ sơ pháp lý đấy các bạn.
Tại sao các bạn lại hoài bão làm chấp hành viên? Bất kể lý do là gì, làm Thừa phát lại là bạn trong không khác gì chấp hành viên rồi vì thừa phát lại cũng được tổ chức thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án.
Nào, các bạn sinh viên luật còn chần chờ gì nữa. Năm thứ tư, các bạn hãy chọn một văn phòng thừa phát lại mà thực tập, rồi nếu thấy phù hợp thì hãy theo nghề. Nghề này không kiếm được nhiều tiền nhưng được xã hội tôn trọng.
Xin chào! Tôi là Đức Hoài - một Thừa phát lại. Do đây là một trang blog nên tôi cố gắng sử dụng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu trong các bài viết và không nhất thiết phải giống với thuật ngữ khoa học pháp lý, văn bản pháp luật. Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả hoặc tổng hợp từ các nguồn tin tức đã được dẫn chiếu trong bài viết. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, xin vui lòng liên hệ theo SĐT 0906 311 132 hoặc email blogthuaphatlai@gmail.com. Xin cảm ơn!
2 Nhận xét
Cho em hỏi, các văn phòng Thừa phát lại có nhận sinh viên nữ thực tập không ạ!
Trả lờiXóaChào bạn Kim Lê! Theo quan sát của mình thì các văn phòng thừa phát lại có nhận sinh viên nữ thực tập nhé. Trước đây, có 1 số văn phòng ưu tuyển tuyển nam thực tập để hỗ trợ công việc tống đạt văn bản nhưng hiện nay việc tống đạt rất ít mà chủ yếu lập vi bằng. Công việc này thì các bạn nữ thực tập vẫn hỗ trợ văn phòng được nhé.
Xóa