Blog Thừa phát lại - Hỏi: Nhà của anh A không có tranh chấp, ở ổn định nhưng anh A chưa làm sổ đỏ; nay anh A muốn bán cho tôi. Để xác thực việc mua bán nhà đất, chúng tôi tiến hành lập vi bằng. Vậy việc mua bán nhà thông qua vi bằng có được Nhà nước công nhận không?
N.T.H (TP. Bạc Liêu)
Trả lời: Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Chương I Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại.
Về giá trị pháp lý, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.
Hình minh họa |
Khoản 4 Điều 37 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp không được lập vi bằng, ghi rõ: “Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính”.
Bên cạnh đó, điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 cũng quy định, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực mới có giá trị pháp lý.
Như vậy, từ các quy định trên, có thể khẳng định việc mua bán nhà ở là giao dịch mà pháp luật quy định buộc phải có công chứng hoặc chứng thực nên việc mua bán nhà đất thông qua việc lập vi bằng là không được công nhận về mặt pháp lý.
Luật gia KIM PHƯỢNG
Báo Bạc Liêu
0 Nhận xét