Blog Thừa phát lại - Lúc 05 văn phòng thừa phát lại đầu tiên mới được thành lập, tôi vẫn là sinh viên năm 02 nên không chứng kiến được lúc đó, các cánh chim đầu đàn của nghề khó khăn như thế nào. Chỉ biết một điều chắc chắn rằng, các văn phòng sẽ có khó khăn, cái khó khăn cố hữu của những người đi tiên phong: Không hành lang pháp lý vững chắc, không nhiều người biết đến, không biết số phận nghề này sẽ đi đến đâu, thậm chí nhất thời không thể biết hết được tất cả các công việc mà mình có thể hỗ trợ người dân để mà tư vấn…
Có lẽ, thuận lợi duy nhất mà các thừa phát lại đàn anh, đàn chị có được là tinh thần dám dấn thân, lòng tin vững chắc rằng nghề thừa phát lại sẽ phát triển. Năm tư đại học, tôi đi thực tập ở văn phòng thừa phát lại, rồi làm qua 03 văn phòng và đến giờ đã được bổ nhiệm; lăn lộn trong nghề cũng được gần 08 năm, có lúc ngắt quãng vì thấy cần phải tạm nghỉ. Đã từng chứng kiến, hàng tháng, Trưởng văn phòng phải đi vay tiền trả lương cho nhân viên vì thu không đủ bù chi; rồi đâu đó, ở Thanh Hóa, Trưởng 01 văn phòng thừa nhận tháng nào cũng phải bù lỗ; hay ở Bình Định, thừa phát lại cũng gắng gượng để qua cơn bĩ cực.
Tôi trình bày hơi dài dòng ở trên để nói rằng, đây là chia sẻ thật lòng của một người có quá trình gắn bó với nghề thừa phát lại. Gần đây, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP được ban hành là một cột mốc đáng nhớ đối với giới thừa phát lại, nó là văn bản pháp lý đầu tiên về nghề được ban hành trong giai đoạn hoạt động chính thức trên cả nước. Nghị định này đã được nghiên cứu, soạn thảo từ năm 2015 nhưng mãi hơn 04 năm sau, trải qua nhiều góp ý, chỉnh sửa, nó mới được ban hành. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chia sẻ quan điểm về một trong những tác động mà Nghị định mang đến cho nghề thừa phát lại đó là sự “cạnh tranh” trong nghề diễn ra mạnh mẽ hơn, thừa phát lại phải vững chuyên môn, tạo được uy tín với khách hàng và có thái độ chuyên nghiệp mới có thể tồn tại được với nghề. Tại sao lại vậy?
Thừa phát lại được lập vi bằng ngoại tỉnh
Thừa phát lại Đồng Nai, Bình Dương có thể đến TP. Hồ Chí Minh lập vi bằng và ngược lại. Đó là điểm mới so với trước đây. Phí lập vi bằng đang là thỏa thuận cho nên, việc thừa phát lại đi ra ngoại tỉnh lập vi bằng sẽ không phải là hiếm. Các văn phòng thừa phát lại cần phải chủ động trong khâu tiếp thị bản thân, chứng tỏ uy tín của mình để được khách hàng địa phương tin tưởng, tìm đến khi có việc cần. Còn không, khách hàng sẽ tìm đến bất kỳ văn phòng thừa phát lại nào mà họ cảm thấy đáp ứng được nhu cầu của họ.
Thừa phát lại Cẩm Phả lập vi bằng theo yêu cầu của người dân (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Nhiều văn phòng thừa phát lại được mở
Đó việc hàng loạt văn phòng thừa phát lại được thành lập mà tác giả dùng từ “bùng nổ” để dự đoán trong một bài viết gần đây khi những sợi dây ràng buộc vào nghề trước đây đã được cởi trói. Nhiều văn phòng được mở ra đồng nghĩa với việc các văn phòng phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn. Đáng chú ý, địa bàn quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thì được lập 2 văn phòng thừa phát lại. Về phương diện chung, thừa phát lại phải tiếp thị mình nhiều hơn với xã hội, nhấn mạnh về các loại việc, sự vụ mà thừa phát lại có thể hỗ trợ người dân để có nhiều khách hàng tìm đến. Đối với mỗi văn phòng, nghiệp vụ cứng, uy tín và sự chuyên nghiệp là chìa khóa để văn phòng thừa phát lại được khách hàng tin tưởng.
Vi bằng chỉ còn là nguồn chứng cứ
Hai Nghị định trước đây quy định vi bằng có giá trị chứng cứ, duy chỉ có Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC (văn bản hướng dẫn Nghị định nhưng có nội dung khác biệt với Nghị định) xem vi bằng là nguồn chứng cứ. Xét về phương diện tố tụng, vi bằng có giá trị chứng cứ là ngang hàng với văn bản công chứng. Đó là sự bảo chứng cho vi bằng, đồng thời thể hiện vai trò quan trọng của thừa phát lại trong tố tụng và đời sống pháp lý.
Tuy nhiên, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã quay lại cách quy định của Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC khi xem vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ. Để làm rõ sự khác nhau giữa chứng cứ và nguồn chứng cứ cũng như quy định vi bằng là nguồn chứng cứ có hợp lý hay không thì cần một bài viết khác chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, rõ ràng, quy định này đã tác động có phần tiêu cực đến hoạt động lập vi bằng của thừa phát lại bởi giờ đây, vi bằng chưa chắc đã được Tòa án thừa nhận, sử dụng, và dự đoán, sắp tới Thừa phát lại phải giải trình trước tòa án nhiều hơn về vi bằng.
Để hoạt động lập vi bằng phát huy hiệu quả, thừa phát lại cần nắm bắt được tất cả các tình huống cần thiết mà người dân cần lập vi bằng để tư vấn, hỗ trợ khi cần. Vi bằng lập ra cần tường minh, rõ ràng, trung thực và khách quan để "đụng" việc là sử dụng được ngay. Trước đây, đa phần hồ sơ lập vi bằng của thừa phát lại là liên quan đến nhà đất, nay pháp luật quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được tiếp nhận lập vi bằng loại việc này. Do đó, thừa phát lại cần đa dạng hóa các loại việc, lĩnh vực lập vi bằng. Thực chất, các sự việc này đã tồn tại trong đời sống pháp lý từ trước đến nay nhưng người dân chưa biết rằng, có một tổ chức như thừa phát lại có thể trợ giúp mình xác lập chứng cứ.
Thi hành án đã ít nay càng khó
Tôi đã từng nghe một người anh trong nghề lắc đầu ngán ngẩm nói “bắt ra trận mà không cấp vũ khí” để nói về hoạt động thi hành án của thừa phát lại. Và khi Nghị định số 08 được ra đời thì thực sự, thừa phát lại chỉ còn thi hành án bằng niềm tin, bằng tài giảng hòa của mình. Bởi, công cụ cưỡng chế thi hành án trước đây được trao ở mức hạn chế, nay cũng bị tước bỏ. Phải nói như thế nào nhỉ, tôi không tin thừa phát lại sẽ thi hành án thành công với những quy định tại Nghị định số 08. Do đó, thừa phát lại cần tập trung vào các mảng công việc còn lại mà có tính pháp lý ổn định và cơ chế hỗ trợ thừa phát lại rõ ràng hơn.
Thừa phát lại đang niêm yết văn bản tống đạt tại Ủy ban nhân dân phường (Ảnh: Đức Hoài) |
Tống đạt hầu như vẫn như cũ
Nghị định số 08 có điểm mới là quy định thừa phát lại được tống đạt văn bản của Viện kiểm sát và tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài (trước đây đã có quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG ngày 19/10/2016 nhưng chưa có cơ chế thực hiện). Tuy nhiên, số lượng văn bản mà Viện kiểm sát có nhu cầu tống đạt cho đương sự, và các hồ sơ tương trợ tư pháp thì ít. Thêm vào đó, mức phí tống đạt hầu như vẫn như cũ so với cách đây 06 năm nên tống đạt chỉ là một mảng công việc thứ yếu nhưng phải thực hiện của thừa phát lại.
Nghị định số 08 tuy tạo ra hành lang pháp lý vững chắc hơn cho Thừa phát lại thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng dưới tác động của nó, các văn phòng sẽ phải cạnh tranh với nhau nhiều hơn để tồn tại. Thừa phát lại nào giỏi về nghiệp vụ, có uy tín và thái độ làm việc chuyên nghiệp sẽ dễ tồn tại hơn với nghề.
Tác giả: Đức Hoài
Xin chào! Tôi là Đức Hoài - một Thừa phát lại. Do đây là một trang blog nên tôi cố gắng sử dụng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu trong các bài viết và không nhất thiết phải giống với thuật ngữ khoa học pháp lý, văn bản pháp luật. Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả hoặc tổng hợp từ các nguồn tin tức đã được dẫn chiếu trong bài viết. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, xin vui lòng liên hệ theo SĐT 0906 311 132 hoặc email blogthuaphatlai@gmail.com. Xin cảm ơn!
0 Nhận xét