Blog Thừa phát lại - Thời gian qua, hoạt động của các văn phòng thừa phát lại (TPL) tại tỉnh Thanh Hóa đã góp phần thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi có yêu cầu.
Kết quả bước đầu
Có mặt tại Văn phòng TPL TP Thanh Hóa tại số 76, Triệu Quốc Đạt, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị H., phường Đông Thọ cầm vi bằng giao nhận tiền trên tay cho biết: Tôi vừa đặt tiền mua ngôi nhà nhưng vì chưa đến tháng giao nhận nhà nên tôi đã mời cán bộ văn phòng TPL đến để lập vi bằng lấy cơ sở cho các quan hệ pháp lý hoặc làm cơ sở để giải quyết tranh chấp về sau.
Một buổi trao đổi nghiệp vụ của Văn phòng Thừa phát lại Thanh Hóa |
Tương tự, anh Lê M. ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa cho hay: Ở khu đất mới, 2 bên nhà hàng xóm khởi công làm nhà cùng lúc, sợ nhà tôi mới xây xong dễ bị ảnh hưởng từ việc đào móng nhà của 2 hộ bên cạnh nên tôi đã mời cán bộ văn phòng TPL xuống ghi nhận hiện trạng căn nhà của mình để khi có tình huống xảy ra còn có cơ sở pháp lý để xử lý.
Trên là 2 trong số hằng trăm vi bằng mà trong những năm qua văn phòng TPL TP Thanh Hóa đã lập cho nhân dân khi họ muốn giấy tờ có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án nếu có việc tranh chấp xảy ra; và vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật... Vì vậy, riêng năm 2018 và quý I - 2019, Văn phòng TPL TP Thanh Hóa đã tống đạt được 16.449 văn bản của các cơ quan, với doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng; đã lập được 104 vi bằng, với doanh thu hơn 200 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Vân Quỳnh, Trưởng Văn phòng TPL TP Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa là một trong 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được lựa chọn để thực hiện thí điểm chế định TPL. Những năm qua, Văn phòng TPL TP Thanh Hóa đã chú trọng xây dựng đội ngũ thư ký TPL, đầu tư trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng phục vụ việc tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án theo hướng ngày càng chuyên nghiệp theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước, khách hàng; văn phòng cũng hết sức quan tâm chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết về chức năng, nhiệm vụ của chế định TPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, quảng cáo, trực tiếp xuống các địa phương để phổ biến về chế định TPL... Có thể khẳng định hoạt động TPL đã giúp giảm tải công việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án dân sự; tạo thêm cơ sở pháp lý tích cực để người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, trong giai đoạn thí điểm, tỉnh ta đã cho phép thành lập 3 văn phòng TPL (Văn phòng TPL TP Thanh Hóa, Văn phòng TPL Bỉm Sơn, Văn phòng TPL TP Sầm Sơn). Năm 2018 và quý 1 - 2019, các văn phòng TPL đã lập được 137 vi bằng, với doanh thu hơn 360 triệu đồng; đã tống đạt 37.554 văn bản của tòa án và các cơ quan thi hành án dân sự, với doanh thu hơn 3,6 tỷ đồng. Sự gia tăng về số lượng cũng như doanh thu tống đạt theo thời gian đã cho thấy nhu cầu, hiệu quả, năng lực cũng như những nỗ lực của TPL và sự tin tưởng, hỗ trợ của tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cho hoạt động này. Hoạt động của các văn phòng TPL cũng đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan Nhà nước và trong các quá trình tố tụng, góp phần ổn định quan hệ xã hội, an ninh trật tự; giúp giảm tải công việc của tòa án, cơ quan thi hành án, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử và thi hành án; xác lập và củng cố thêm chứng cứ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch và tham gia tố tụng... Vì vậy, việc thực hiện chế định TPL tại tỉnh ta đã được cấp ủy, chính quyền, người dân ghi nhận, đánh giá tích cực và ủng hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chế định TPL trong thời gian qua vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. TPL đã đi vào hoạt động được 7 năm, song thể chế pháp luật về TPL chậm được hoàn thiện, công tác chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương kể từ khi kết thúc thí điểm đến nay chưa kịp thời; quy định pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thống nhất với chế định pháp luật về TPL, do vậy đã gây ra khó khăn cho TPL. Hơn nữa, do TPL là chế định còn mới, vì vậy một số cán bộ, công chức, người dân chưa nhận thức đầy đủ nên còn thiếu trách nhiệm trong phối hợp thực hiện; đội ngũ TPL còn mỏng, năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng nghề còn hạn chế; mức chi phí cho hoạt động TPL còn thấp, chưa đáp ứng chi phí khi thực hiện tống đạt; việc thanh toán cũng chưa thuận lợi, gây khó khăn cho các văn phòng hoạt động... Việc lập vi bằng của TPL đã được người dân đón nhận hết sức tích cực vì đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế và trong quá trình tố tụng, tuy nhiên phạm vi và trình tự, thủ tục lập vi bằng chưa cụ thể dẫn đến sự lúng túng trong quá trình tác nghiệp. Bên cạnh đó, việc xác minh điều kiện thi hành án (THA) còn gặp một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến kết quả đạt được thấp. Một trong những nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức chưa hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ cho TPL trong việc cung cấp thông tin về tài sản THA, một số UBND cấp xã từ chối cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA, cơ quan đăng ký tài sản không cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA theo yêu cầu của TPL... Do vậy, đã gây ra khó khăn cho TPL trong việc xác minh điều kiện THA.
Cần hoàn thiện các quy định của pháp luật
Trước những khó khăn nêu trên, bà Nguyễn Thị Vân Quỳnh, Trưởng Văn phòng TPL TP Thanh Hóa cho rằng: Nhà nước cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động của TPL và các quy định có liên quan. Trước mắt nên sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18-10-2013.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động TPL, ông Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Từ thực tế triển khai chế định TPL trên địa bàn tỉnh có thể thấy, việc thực hiện chế định TPL là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và chủ trương cải cách tư pháp. Tuy nhiên, để hoạt động TPL tại Thanh Hóa cũng như các địa phương trong cả nước phát triển mạnh mẽ và đi vào hoạt động sâu hơn nữa vào đời sống xã hội, thì cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trước mắt, trong khi chờ hoàn thiện các quy định về TPL, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, quản lý đối với hoạt động TPL; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho đội ngũ TPL và thư ký TPL; kịp thời kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các văn phòng TPL đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các văn phòng TPL cần chủ động, nỗ lực hơn nữa, tự khắc phục khó khăn; thường xuyên tự nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, nhất là trong hoạt động lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đối với trách nhiệm của sở sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ sớm ban hành nghị định mới về TPL và hoàn thiện quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Nguồn: Báo Thanh Hóa
Xin chào! Tôi là Đức Hoài - một Thừa phát lại. Do đây là một trang blog nên tôi cố gắng sử dụng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu trong các bài viết và không nhất thiết phải giống với thuật ngữ khoa học pháp lý, văn bản pháp luật. Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả hoặc tổng hợp từ các nguồn tin tức đã được dẫn chiếu trong bài viết. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, xin vui lòng liên hệ theo SĐT 0906 311 132 hoặc email blogthuaphatlai@gmail.com. Xin cảm ơn!
0 Nhận xét