Blog Thừa phát lại - Làm thư ký Thừa phát lại đã hơn 2 năm rưỡi, tôi chứng kiến nhiều người ban đầu đến với chế định Thừa phát lại với tâm trạng rất hào hứng nhưng sau một thời gian thì cảm thấy chán nản và đi tìm 1 công việc khác.
Chính bản thân người viết cũng đã từng nhiều lần rơi vào cảm giác như vậy, có đi và đã trở lại với chế định này nhưng tôi vẫn chưa biết chắc mình sẽ gắn bó với chế định non trẻ này đến bao giờ. Từng làm qua 3 văn phòng Thừa phát lại, tôi nhẩm tính con số những người thư ký đã từ bỏ chế định này mà thấy giật mình, bởi nhìn lại, số lượng những người vào làm ở văn phòng Thừa phát lại cùng lúc với tôi hoặc trước tôi mà bây giờ trụ lại còn rất là ít. Vậy điều gì khiến Thư ký Thừa phát lại liên tục bỏ việc? Phải chăng Thừa phát lại không còn là miền đất hứa như những gì mà ban đầu người ta vẫn tưởng hay đấy không còn là 1 bức tranh đẹp về 1 nghề đầy triển vọng trong tương lai mà các chủ đầu tư vào Văn phòng Thừa phát lại đã phác thảo?
Vấn đề tiền lương, chế độ đãi ngộ là nguyên nhân hàng đầu
Mặc dù cung cấp dịch vụ pháp lý mang tính chất công, phục vụ cho nhân dân và không mang tính sinh lời nhưng suy cho cùng Thừa phát lại vẫn là 1 tổ chức tự chủ về tài chính. Nhà nước không rót tiền vào cho các văn phòng khi mà văn phòng kinh doanh lỗ lã. Vậy nên, nếu như thu nhập văn phòng không đủ bù chi thì chắc chắn lương bổng và cuộc sống của nhân viên, anh em thư ký sẽ bị ảnh hưởng. Đang ở trong giai đoạn thí điểm, ngoài trừ các văn phòng tại TP. HCM là huề vốn hoặc có lãi còn đa phần các văn phòng ở các 12 tỉnh, thành thí điểm khác đang hoạt động cầm chừng, bị lỗ hoặc mừng lắm là huề vốn. Do đó, lý do kinh tế hay nói đúng hơn là tiền lương, chế độ đãi ngộ chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc các Thư ký từ bỏ chế định Thừa phát lại đến với 1 công việc khác với mức lương cao hơn hoặc chí ít là công việc ổn định hơn.
Theo thông tin mà tôi tự tìm hiểu thì đa phần các thư ký đã rời bỏ Thừa phát lại giờ đang có những công việc ổn định, chế độ đãi ngộ tốt hơn hiện tại.
Các thư ký "đời đầu" của 1 văn phòng Thừa phát lại tại TP.HCM |
Tống đạt mãi cũng nản, muốn 1 công việc khác
Thư ký mới vào làm ở văn phòng Thừa phát lại thì công việc đầu tiên được giao là nghiên cứu kỹ về quy trình tống đạt bởi sau đó không sớm thì muộn, thư ký đó phải đi tống đạt. Đừng nghĩ là tại sao mình lại bị đối xử chẳng khác gì một đứa đi đưa thư trong khi điểm học tập ở trường của mình là khá tốt hoặc chuyên môn của mình là khá vững vàng vì trước khi ứng tuyển vào văn phòng đã có kinh nghiệm làm việc ở vài văn phòng, cơ quan luật?
Dù bạn có giỏi đến đâu, đã đến văn phòng Thừa phát lại xin làm Thư ký thì công việc đầu tiên là phải đi tống đạt. Xin lặp lại 1 lần nữa, công việc đầu tiên của 1 Thư ký Thừa phát lại là đi tống đạt. Bởi vì, 3 mảng công việc khác có độ khó về chuyên môn, cần 1 quãng thời gian để trau dồi, học hỏi thêm thì mới thành thạo được. Đi tống đạt cũng là quãng thời gian thư ký rèn về giao tiếp và tính cẩn thận bởi chỉ cần tống đạt trễ hạn, hoặc vì lý do gì đấy mà sai thủ tục thì nguy cơ hủy án rất cao.
Mới vào nghề thì đi tống đạt cũng được nhưng qua 1 thời gian công tác khá dài rồi mà vẫn còn đi tống đạt thì sẽ khác, thư ký sẽ suy nghĩ là tại sao mình lại được giao đi tống đạt lâu vậy? Sao chưa được rút về văn phòng? Chạy mãi ngoài đường thế này thì chẳng học hỏi thêm được điều gì về chuyên môn?
Vâng, những tâm tư ấy là đúng, là có thực và ngay cả chủ đầu tư, Thừa phát lại-Trưởng văn phòng cũng hoàn toàn hiểu được tâm tư ấy của Thư ký. Nhưng ở văn phòng, 3 mảng công việc còn lại thì không nhiều bằng tống đạt và không đòi hỏi nhiều thư ký. Nếu bạn không chịu trau dồi chuyên môn Thừa phát lại hoặc bạn có trau dồi nhưng kiến thức và khả năng của bạn không bằng thư ký đang ngồi ở văn phòng thì làm sao các Thừa phát lại có thể rút bạn về thay thế các thư ký đó được trong khi nhu cầu bổ sung thêm thư ký văn phòng là không có. Rút cục, bạn vẫn là 1 thằng thư ký tống đạt, cứ cắm mặt ngoài đường, đi miết và không có nhiều thời gian để được thực hành các kiến thức pháp lý chuyên sâu hơn. Đây là 1 vòng xoáy mà bất kỳ 1 thư ký Thừa phát lại nào cũng muốn thoát ra. Ngoại trừ 1 số trường hợp đặc biệt thì đa phần các thư ký tống đạt trẻ chỉ có chu kỳ khoảng 1 năm đến 1 năm rưỡi, sau đó, hoặc là họ được rút về làm văn phòng hoặc họ đã rời bỏ chế định Thừa phát lại
Thư ký Thừa phát lại trước giờ đi tống đạt
(Hình mang tính chất minh họa)
Đang thí điểm, sau này có thành thực hay không? Nghề này có triển vọng hay không?
Đây không chỉ là tâm tư của các Thư ký và là tâm tư của 1 số Thừa phát lại khi nó đã được phản ánh trên báo chí.
Nhìn lại quãng đường thí điểm gần 5 năm kể từ khi Văn phòng Thừa phát lại Q.1, văn phòng Thừa phát lại đầu tiên của cả nước chính thức khai trương, đi vào hoạt động (21.05.2010), chỉ có TP. HCM, Thừa phát lại đã tìm được chỗ đứng cho mình. Tại các địa phương khác, do thời gian thí điểm muộn lại không có truyền thống mạnh về Thừa phát lại như Tp. HCM trong quá khứ. Vậy nên, kết quả thí điểm là chưa cao, sự e ngại về việc Thừa phát lại thí điểm có thành thực hay không là tâm lý có thực của các chủ đầu tư, Thừa phát lại cũng như đội ngũ thư ký ở các địa phương này.
Sự mơ hồ về tương lai của 1 chế định non trẻ là lý do chính thứ ba khiến các thư ký ra đi tìm cho mình 1 công việc khác ổn định hơn, hứa hẹn về tương lai hơn.
Nhìn chung, Thừa phát lại vẫn còn gian nan lắm, và những người công tác trong nghề lo lắng cho nghề nghiệp trong tương lai là có thực. Nói như Thừa phát lại Nguyễn Thị Vân Quỳnh-Trưởng VP Thừa phát lại Thanh Hóa: “Chỉ có những người yêu nghề, tâm huyết với nghề mới làm được TPL. Đồng lương của họ quá ít trong khi áp lực công việc lại nhiều. Có nhiều vụ việc phải đi tận miền núi, vào các bản làng xa xôi cách thành phố cả trăm km để lập 1 vi bằng, chi phí đi lại rất tốn kém nhưng doanh thu chưa tương xứng”.
Ngoài 3 lý do trên thì còn 1 số lý do khác như thư ký ngay từ đầu xin vào làm việc ở văn phòng đã coi đây là 1 công việc tạm thời, cung cách quản lý chưa tốt của ban lãnh đạo văn phòng, sự đố kỵ giữa các nhân viên hay lý do cá nhân.
Những chia sẻ trên đây là quan điểm cá nhân của riêng tác giả và có thể mang đến sự tiêu cực cho công cuộc thí điểm chế định Thừa phát lại. Khi các độc giả ghé thăm bài viết, tác giả mong nhận được từ độc giả những cái nhìn cầu thị, những lời chia sẻ chân thành, ý kiến khen chê để các Thư ký và Thừa phát lại có những nhận định và bước đi đúng đắn hơn góp phần vào sự thành công của một chế định rất hữu dụng với người dân.
Những chia sẻ trên đây là quan điểm cá nhân của riêng tác giả và có thể mang đến sự tiêu cực cho công cuộc thí điểm chế định Thừa phát lại. Khi các độc giả ghé thăm bài viết, tác giả mong nhận được từ độc giả những cái nhìn cầu thị, những lời chia sẻ chân thành, ý kiến khen chê để các Thư ký và Thừa phát lại có những nhận định và bước đi đúng đắn hơn góp phần vào sự thành công của một chế định rất hữu dụng với người dân.
Xin chào! Tôi là Đức Hoài - một Thừa phát lại. Do đây là một trang blog nên tôi cố gắng sử dụng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu trong các bài viết và không nhất thiết phải giống với thuật ngữ khoa học pháp lý, văn bản pháp luật. Bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của tác giả hoặc tổng hợp từ các nguồn tin tức đã được dẫn chiếu trong bài viết. Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại, xin vui lòng liên hệ theo SĐT 0906 311 132 hoặc email blogthuaphatlai@gmail.com. Xin cảm ơn!
0 Nhận xét